Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hà Giang. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

Tết này người dân Hà Giang có gà xương đen trên mâm cỗ



Tại Trung tâm Gà xương đen, xã Quyết Tiến (Quản Bạ).


Trong ánh nắng vàng se lạnh của một chiều cuối năm, chúng tôi tìm về thăm Trung tâm Gà xương đen, xã Quyết Tiến, do Dự án phát triển cộng đồng tổng hợp huyện Quản Bạ hỗ trợ. Trên con đường gập gềnh đá, dù còn cách Trung tâm những gần 300m, tiếng gà gáy rộn vang cả không gian rộng rãi, làm chúng tôi như chìm vào ký ức quê xưa, nơi mà cả tuổi thơ tôi được nghe tiếng gà gáy mỗi trưa. Theo lời anh Cao Xuân Lỉn, Trưởng ban Phát triển xã Quyết Tiến: “Gà đen hay gà xương đen, từ rất lâu rồi đã là con vật nuôi quen thuộc của bà con các dân tộc vùng cao, nay nhờ được dự án Caritas (Thuỵ Sỹ) tài trợ xây dựng và phát triển nuôi giống gà xương đen tại xã. Nhìn chung, đàn gà phát triển rất tốt, bước đầu cho thu nhập khá ổn định đối với những hộ tham gia mô hình, quan trọng hơn mô hình còn làm thay đổi được tập quán chăn nuôi của bà con và cũng đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp XĐGN của địa phương…”.


Chị Vũ Thị Châm, Tổ trưởng Trung tâm, tâm sự: “Chắc các chú ngạc nhiên lắm phải không?. Đến chúng tôi những người trong cuộc còn ngạc nhiên, không chỉ ngạc nhiên đâu mà còn khâm phục và cảm ơn Dự án đã chỉ ra con đường mới trong chăn nuôi trên chính những gì sẵn có của địa phương…”. Đang ngồi tiếp chúng tôi, chị Châm chợt giật mình nhìn đồng hồ, rồi nói: Mải tiếp các chú, tí quên mất giờ đảo trứng gà đang ấp. Từ tháng 7.2007, Dự án chính thức bước vào hoạt động, thì cỗ máy ấp trứng nhân tạo cũng hoạt động từ ngày đó đấy! Hiện nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án, thu gom số gà xương đen trên địa bàn huyện và các huyện lân cận để nuôi tập trung tại Trung tâm và tập trung số trứng do gà sinh sản, để cho ấp nở nhân tạo thành gà con nuôi trong khoảng 2 tháng sẽ được bán ra thị trường hoặc cung cấp cho các hộ gia đình trong xã nuôi theo mô hình. Những hộ thực hiện theo dự án được hỗ trợ thuốc thú y, thức ăn cho gà và một phần chi phí làm chuồng trại theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Chính những hộ thực hiện mô hình này sẽ là nòng cốt để nhân rộng việc nuôi giống gà xương đen trong vùng trong thời gian tiếp theo khi trung tâm tiến hành thành lập công ty cổ phần…


Dạo một vòng qua các nhà nuôi gà xương đen của Trung tâm mà cứ ngỡ như lạc vào một trang trại nuôi gà lớn của vùng, miền xuôi. Từ khu vực nuôi gà bố, mẹ, đến khu nuôi gà mới nở đều được tách riêng. Chúng tôi nhìn, ngắm không biết chán mắt, những chú gà với đủ mọi mầu sắc nhưng đều có một điểm trung là chân, mào, mầu da đều đen như chì, qua trao đổi với chị Châm, được biết: Hiện cả trung tâm có trên 500 con gà bố, mẹ; từ đầu năm đến nay, đã thu được trên 21.500 quả trứng và tính đến hết tháng 11.2008, Trung tâm có trên 2.000 con gà xương đen giống, đã bán được gần 300 con gà thịt với giá bình quân từ 60 - 70.000 đồng/kg; xuất gần 3.400 con gà giống với giá bình quân trên 18.000 đồng/con; cung cấp trên 1.700 con gà giống cho các hộ gia đình trong xã thực hiện nuôi theo mô hình. Không chỉ cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện mà cả các huyện trong tỉnh và đặc biệt hơn, một số người dân ở tỉnh Tuyên Quang cũng đã tìm đến Trung tâm mua, gà giống về nuôi…


Cũng dịp này, chúng tôi đã được anh Mai Văn Khôi, cán bộ kỹ thuật tại Trung tâm đưa đi tham quan một số mô hnh gà xương đen trên địa bàn xã. Hộ anh Vàng Thống Cáo, người dân tộc Pú Y, (thôn Đông Tinh) là 1 trong 10 hộ tham gia thành viên dự án phát triển giống gà xương đen của Trung tâm, anh cho biết: “Được dự án Caritas và Trung tâm Gà xương đen xã Quyết Tiến lựa chọn tham gia làm thành viên, được cán bộ trung tâm tập huấn về cách thức chăm sóc, chăn nuôi, phòng chữa bệnh cho đàn gà; vừa rồi, gia đình mình đã xuất chuồng được gần 100 con gà thịt (đợt 1), thu được hơn 10 triệu đồng. Thấy mô hình nuôi phát triển tốt, ít tốn kém, mà mang lại lợi ích kinh tế khá cao, gia đình tiếp tục đầu tư nuôi thêm 150 con gà nữa và đang tiếp hành vỗ béo để xuất chuồng trong dịp Tết tới đây. Chính nhờ việc nuôi gà xương đen, đã giúp kinh tế gia đình ngày một phát triển nên từ giờ nhà mình sẽ tiếp tục đầu tư vốn để duy trì và phát triển đàn gà xương đen ngày một nhiều hơn…”.  Những hộ tiếp theo mà chúng tôi đến, như: gia đình anh Vương Khắc Dụng, dân tộc Pú Y, (thôn Nậm Lương); Nguyễn Văn Cường, dân tộc Tày, (thôn Đông Tinh); Phan Văn Đông, (thôn Vĩnh Tiến) và nhiều hộ khác nữa trong xã, thời gian qua đều nuôi thành công và xuất chuồng 50 con gà xương đen (đợt 1), trừ hết chi phí chăn nuôi, các gia đình đều có lãi bình quân 2 triệu đồng. Qua tìm hiểu của chúng tôi về tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình được thực hiện mô hình, cũng như bà con nhân dân trong xã đều có chung một một quan điểm: Muốn được tham gia làm thành viên của dự án phát triển giống gà xương đen của Trung tâm…


Tết này, trên các mâm cỗ của nhân dân không chỉ trên địa bàn xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ hay TXHG mà còn các huyện trên địa bàn tỉnh… đã có thêm món thịt gà xương đen của Trung tâm Gà xương đen xã Quyết Tiến. Việc phát triển nuôi giống gà xương đen ở các xã vùng cao, là hướng đi đúng. Hướng phát triển này không những bảo vệ, gìn giữ được giống gà xương đen quý hiếm, mà còn giúp cho nhân dân có thêm nghề chăn nuôi mới trên những nguồn giống sẵn có của địa phương. Việc phát triển nuôi gà xương đen sẽ trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao trên thị trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, XĐGN bền vững ở vùng cao. Vì vậy, Trung tâm rất cần được các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tiến hành thành lập Công ty cổ phần để có điều kiện tốt hơn nữa trong việc phát triển số lượng cũng như chất lượng đàn gà xương đen bởi không chỉ cung cấp gà thịt cho nhu cầu thị trường ngày càng cao mà còn cung cấp gà xương đen giống cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.


Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Thảo quả - cây xoá nghèo cho người Mông Quản Bạ


CAND - 09/07/2008
Ông Giàng A Pao, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang vui mừng nói với chúng tôi: "Cái "anh" thảo quả đã đem lại cuộc sống mới cho ngườiMông Cao Mã Pờ đấy". Rồi ông chỉ tay vào chiếc xe Win mới cáu cạnh bảo rằng: "Tất cả là do thảo quả đấy, vụ này gia đình tôi cũng được trên hai chục triệu nhờ bán thảo quả". Ánh mắt ngập tràn niềm vui của ông Pao khiến đoàn chúng tôi ai cũng vui vui...

 

Chăm sóc, nhân giống cây thảo quả (Ảnh: Trường Giang). 

Ông Lệnh Thế HộiPhó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Việc tìm giải pháp xoá đói, giảm nghèo ở một huyện vùng cao núi đá như Quản Bạ là một việc làm không dễ chút nào, với đặc điểm tự nhiên khắc nghiệt, hằng năm mùa khô kéo dài đến 3 tháng, nguồn nước ít, nên sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn. Xác định cây thảo quả là một lợi thế, trong những năm vừa qua, huyện đã vận động người dân trồng cây thảo quả, đến thời điểm hiện nay toàn huyện có trên 980 ha. 

Quản Bạ có khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây thảo quả, chính ưu thế và điều kiện tự nhiên thích hợp đã góp phần làm cho cây thảo quả có vị thế trong mục tiêu chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ở huyện. 

Ông Nguyễn Đức Tình, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho hay: Để cây thảo quả trở thành cây hàng hoá mũi nhọn của huyện, Quản Bạ đã phát triển mở rộng dự án trồng thảo quả tại ba xã Cao Mã PờTả Ván và Tùng VàiÔng Tình cho biết, bình quân trên thị trường 1kg thảo quả có giá từ 90.000đ đến 104.000đ, năng suất bình quân đạt 3 tạ quả khô/ha. Với thị trường tiêu thụ thảo quả ổn định như hiện nay thì người dân trồng thảo quả sẽ rất yên tâm canh tác. 

Có hướng đi rõ ràng, gắn trồng thảo quả với việc bảo vệ rừng. Cây thảo quả thích nghi dưới những tán rừng có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và đặc biệt giống cây này không cần nhiều ánh sáng. Chính ưu thế này đã giúp người dân có thể gắn giữa phát triển kinh tế vườn rừng và trồng cây thảo quả. Để cây thảo quả tồn tại, phát triển và gắn với sản xuất của người nông dân, huyện Quản Bạ đã khuyến khích nông dân, đặc biệt là đồng bào Mông trồng cây thảo quả.

Với chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, bình quân 1,5 triệu đồng phân bón/ha và tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến bà con. Huyện đã đào tạo tập huấn hàng trăm lượt hộ nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản thảo quả. Hiện nay, Quản Bạ đã có doanh nghiệp là Công ty TNHH 567 thị trấn Tam Sơn đứng ra bao tiêu sản phẩm và chế biến thảo quả muối ngay tại huyện để xuất khẩu. 

Chính nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ gia đình người Mông ở các xã Cao Mã PờTùng VàiTả Ván có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng, đời sống của nhiều hộ gia đình người Mông ở các xã này đã có nhiều đổi thay. Diện mạo nông thôn miền núi của các xã đã khá hơn rất nhiều so với vài năm trước đây. 

Chủ tịch xã Tùng VàiGiàng Chẩn Xín cho biết: Với tập quán của người Mông là sản xuất du canh, du cư, trong 5 năm trở lại đây đồng bào được cán bộ vận động chính sách định canh, định cư và hạ sơn của Nhà nước, nay đồng bào đã ổn định cuộc sống lâu dài tại thôn, bản mình. 

Việc huyện đầu tư, khuyến khích các hộ dân trồng thảo quả đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi giống, cây trồng trên địa bàn xã, nhiều hộ trong xã đã trồng hàng chục hécta. Nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ đã thoát nghèo và còn mua được cả xe máy, xe công nông phục vụ sản xuất, đi lại nữa. 

Ông Xín cũng cho biết: Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển thảo quả, xã sẽ vận động bà con mở rộng diện tích trồng, khuyến khích mô hình liên kết giữa các gia đình góp đất trồng cây thảo quả. 

Ông Giàng Cồ Hoà, Bí thư Huyện uỷ cho hay: Phát triển các giống cây gắn với lợi thế của từng vùng, đó là điều cần và đủ cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, huyện Quản Bạ cần xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ ổn định và đăng ký thương hiệu, duy trì chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, vốn đầu tư nhiều hơn nữa để cây thảo quả là một trong những cây mũi nhọn góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân. 

Ngoài những yếu tố trên cần có sự quy hoạch phát triển rõ ràng cho từng vùng, từng xã, chứ cứ để phát triển như một phong trào rồi khi trồng nhiều, lại không có thị trường tiêu thụ, thảo quả rớt giá và thiệt hại đương nhiên người nông dân sẽ gánh chịu. Thực tế, nhiều địa phương khác đã mắc phải những sai lầm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm như một phong trào, như cây vải thiều Lục Ngạn giá rẻ như cho trong mùa vụ năm nay là một ví dụ điển hình. 

Xem ra, tìm giải pháp phát triển thích hợp cho cây thảo quả phát triển bền vững đang là một trong những câu hỏi dành cho các nhà quản lý của huyện Quản Bạ nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung sớm tìm câu trả lời. Bởi, với người dân, sự phát triển bền vững chính là đảm bảo tương lai không đói nghèo cho chính gia đình họ. Mong rằng, niềm vui có thu nhập từ cây thảo quả của nhiều người Mông ở huyện Quản Bạ sẽ nối dài...!