Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Lâm sản ngoài gỗ và xóa đói giảm nghèo ở miền núi Bắc Bộ




Diện tích rừng của nước ta (2004) là 12,3 triệu ha, thì có 10 triệu ha rừng tự nhiên. Trong rừng tự nhiên nhiệt đới thường có nhiều tầng cây gỗ, cây bụi, cây thảo, dây leo, thực vật phụ sinh và nhiều loài động vật rừng. Lâm sản rừng rất phong phú, nhưng trước đây người ta thường chỉ chú ý đến gỗ tre, còn các loại sản phẩm khác đều bị coi là lâm sản phụ.


Song ngày nay đã có sự thay đổi lớn về nhận thức đối với các lâm sản phụ, thuật ngữ được quốc tế sử dụng phổ biến là “Lâm sản ngoài gỗ”, với khái niệm: “Lâm sản ngoài gỗ bao gồm những sản phẩm có nguồn gốc sinh vật khác gỗ, được khai thác từ rừng, đất rừng và cây ở ngoài rừng”. Lâm sản ngoài gỗ ở nước ta được phân thành 6 nhóm: (1) Những sản phẩm có sợi: tre, song mây, lá… (2) Thực phẩm: những thực phẩm có nguồn gốc thực vật như măng, mộc nhĩ, rau lá, hoa quả, hạt, các loại gia vị; những loại có nguồn gốc động vật như mật ong, thịt thú rừng, tổ yến, các loại côn trùng ăn được… (3) Cây dược liệu và chất thơm. (4) Các sản phẩm chiết xuất như các loại nhựa cây, dầu, tinh dầu, chất màu. (5) Động vật và những sản phẩm từ động vật không dùng làm thực phẩm như các loại thú rừng, chim, côn trùng sống… (6) Những sản phẩm khác như cây cảnh, lá gói thức ăn và hàng hoá…

Lâm sản ngoài gỗ có ý nghĩa kinh tế và đa dạng sinh học.

Nhiều loại lâm sản ngoài gỗ được sử dụng cho sản xuất và đời sống của người dân. Hàng trăm nghìn tấn tre nứa được sử dụng trong ngành chế biến bột và giấy, hàng chục nghìn tấn cây thuốc được sử dụng mỗi năm… Lâm sản ngoài gỗ còn là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ năm 2004 gần 200 triệu USD, bằng gần 20% tổng giá trị xuất khẩu đồ gỗ. Khai thác, chế biến lâm sản ngoài gỗ đã thu hút hàng trăm nghìn lao động, chủ yếu là ở nông thôn, miền núi góp phần đáng kể vào xoá đói, giảm nghèo ở các địa phương có rừng và đất rừng. Theo kết quả điều tra gần đây, sản xuất lâm nghiệp ở vùng miền núi Bắc bộ đã có đóng góp đáng kể vào thu nhập của hộ gia đình nông thôn, ở vùng Tây bắc, nguồn thu từ lâm nghiệp chiếm 23% tổng thu từ nông lâm thuỷ sản của hộ, gấp gần 5 lần bình quân cả nước (4,8%), Đông bắc là 11,7% cao nhất trong cả nước.

Những thu nhập lâm nghiệp của hộ gia đình từ 3 hoạt động: trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng (lâm sinh), khai thác lâm sản (gỗ, củi) và thu nhặt lâm sản (lâm sản ngoài gỗ).

Khai thác lâm sản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nhập từ lâm nghiệp, từ 65-81%, sau đó đến thu nhặt lâm sản, ở Tây bắc 18,3% và 14,4% ở Đông bắc. Khai thác lâm sản tuy chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập của hộ, nhưng phần lớn là các sản phẩm tự túc sử dụng trong gia đình, trong đó củi có giá trị lớn, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Trong đó cơ cấu: gỗ 14,15%; củi 45,25%; lâm sản khác 16,3%; nông sản 24,3%.

Thời gian gần đây, do rừng tự nhiên đã nghèo kiệt nên không được phép khai thác gỗ hàng hoá nên thu nhập từ lâm nghiệp ở một số vùng cho thấy:

ở xã Khang Ninh thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Cạn), bình quân lâm sản ngoài gỗ chiếm khoảng 15% kinh tế hộ (tiền mặt + tiêu dùng hàng ngày, gồm có 10% là củi, 5% là các khoản khác).

Điều tra thu nhập ở xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho thấy tỷ lệ thu từ lâm sản ngoài gỗ chiếm từ 11-20% thu nhập của hộ, đối với hộ nghèo có tỷ lệ cao nhất: 19,4%.

Từ các kết quả khảo sát thực tế các nhà nghiên cứu cho rằng:

Nguồn thu từ khai thác lâm sản có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nhập lâm nghiệp của hộ, song ở các vùng miền núi xa thị trường thì phần lớn sản phẩm lâm sản là gỗ củi tự túc có tác dụng bảo đảm an sinh xã hội, song ít có tác dụng đến xoá đói giảm nghèo. Với chính sách hạn chế khai thác rừng tự nhiên của Chính phủ như hiện nay, nếu nơi nào hộ gia đình có nguồn thu từ bán gỗ rừng tự nhiên thì đều là do trực tiếp hay gián tiếp tham gia khai thác gỗ bất hợp pháp, nguồn thu này không bền vững.

Nguồn thu từ trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng thường có ở những nơi có dự án 661 và các dự án lâm nghiệp khác, nhất là ở các vùng rừng thuộc Ban quản lí rừng đặc dụng hay phòng hộ. Nguồn ngân sách Nhà nước đã chi cho các hoạt động này hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, là một gánh nặng đối với ngân sách, trong tương lai khó tăng lên.

Nguồn thu từ thu nhặt lâm sản, thực chất là lâm sản ngoài gỗ, tuy hiện nay có tỷ trọng không lớn bằng khai thác gỗ trong cơ cấu thu nhập lâm nghiệp của hộ nhưng lại có vị trí rất quan trọng vì đó là nguồn thu nhập bằng tiền mặt, đối với hộ nghèo có khi là nguồn thu bằng tiền duy nhất. Thường vào những vụ nông nhàn, giáp hạt người dân hay vào rừng thu hái lâm sản để kiếm tiền mua lương thực và hàng tiêu dùng và trang trải chi phí thuốc men, học hành cho con trẻ. Ngoài ra lâm sản ngoài gỗ còn là nguồn cung cấp thực phẩm hàng ngày cho hộ gia đình: măng, rau rừng…

Do đó để phát triển sản xuất lâm sản ngoài gỗ góp phần xoá đói, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi Nhà nước cần thực hiện một số giải pháp như:

Giao quyền tài sản về lâm sản ngoài gỗ cho chủ rừng. Tài nguyên lâm sản ngoài gỗ phải có chủ thực sự, cụ thể. Nguồn tài nguyên lâm sản ngoài gỗ tự nhiên đang bị cạn kiệt là do tình trạng khai thác vô chủ bấy lâu nay, không được quản lí. Nhà nước tuy đã có chính sách giao rừng và đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức để rừng có chủ, nhưng chỉ mới chú ý đến làm chủ về cây gỗ, tre còn với lâm sản ngoài gỗ vẫn bị thả nổi. Ngay trong rừng đã có chủ, ai cũng có thể vào khai thác lâm sản ngoài gỗ dưới bất kỳ hình thức nào. (Cơ quan lâm nghiệp tỉnh cấp giấy phép cho một chủ khai thác lâm sản ngoài gỗ trong một vùng, một vài xã, thậm chí toàn huyện). Các lâm trường quốc doanh được giao quản lí sử dụng hàng triệu ha rừng tự nhiên, nhưng hoàn toàn không quan tâm và không có năng lực sản xuất kinh doanh lâm sản ngoài gỗ (trừ tre nứa). Để chấn chỉnh tình trạng tài nguyên lâm sản ngoài gỗ vô chủ Nhà nước cần có chính sách quy định cho hộ gia đình và cộng đồng được quyền sở hữu về lâm sản ngoài gỗ ở những diện tích rừng họ đã được giao, được khoán (người ngoài muốn khai thác phải được sự thoả thuận của chủ rừng - có thể phải ăn chia sản phẩm khai thác được với chủ rừng) và chính quyền phải bảo hộ quyền này khi bị xâm phạm.

Cơ quan lâm nghiệp địa phương hướng dẫn và trợ giúp cho hộ gia đình, cộng đồng điều tra về tài nguyên lâm sản ngoài gỗ, lập kế hoạch khai thác hợp lý và bảo vệ. Tổng kết kinh nghiệm dân gian và nghiên cứu kỹ thuật khai thác bền vững, tiến tới kỹ thuật gây nuôi những loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập lớn. Tổ chức mạng lưới khuyến lâm và khuyến công, khuyến thị về lâm sản ngoài gỗ (bao gồm cả chế biến, bảo quản sau thu hoạch và thị trường). Cần có biện pháp thu hút các hộ, cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn huyện, tỉnh (tuỳ theo ngành hàng: song mây, dược liệu, thực phẩm…) vào mạng lưới này như: hỗ trợ kinh phí tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật khai thác, gây trồng, chế biến và thị trường, phát hành tài liệu, tờ bướm tuyên truyền về từng ngành hàng lâm sản ngoài gỗ. Mặt khác, cần nghiên cứu thị trường về lâm sản ngoài gỗ, bắt đầu từ thị trường tiểu vùng - thường đã hình thành từ lâu đời, phản ánh tiềm năng lâm sản ngoài gỗ của địa phương. Lựa chọn mặt hàng lâm sản ngoài gỗ có ưu thế cạnh tranh (giá cả, khối lượng tiêu thụ, phương thức tiêu thụ). Sửa đổi bổ sung một số chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh lâm sản ngoài gỗ như: Bãi bỏ giấy phép khai thác lâm sản ngoài gỗ (trừ loại có tên trong danh mục hạn chế hoặc cấm khai thác, công bố cụ thể, rộng rãi đến từng huyện, xã); Miễn thuế tài nguyên rừng đối với những lâm sản ngoài gỗ để khuyến khích khai thác, gây trồng (có thể thời hạn từ 10-15 năm, khi địa phương không còn đói nghèo); Ngân hàng chính sách cho hộ gia đình vay vốn không lãi, thời hạn vay bằng 2 lần chu kỳ gây trồng và khai thác mặt hàng lâm sản ngoài gỗ được khuyến cáo phát triển tại địa phương; Miễn giảm thuế buôn chuyến, thuế VAT đối với hoạt động buôn bán, chế biến lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn ở những huyện còn tỷ lệ đói nghèo cao. Các biện pháp về miễn giảm thuế tài nguyên, thuế sản xuất kinh doanh là nhằm tăng giá thu mua nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ cho nông dân, do đó cần có cơ chế giám sát để bảo đảm có lợi cho nông dân tránh tình trạng các lợi ích do chính sách lại chảy hết vào túi người buôn bán, cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản ngoài gỗ.
Vũ Long



Read more:http://cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=3998#ixzz0XMxEA3I2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét