Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Ngược rừng tìm thảo quả

(TinNhanhBlog.com), Thứ Sáu, 24.04.2009, 10:12am

Thảo quả sống trong rừng già, ở độ cao 1.500 m (so với mực nước biển) trở lên nên tìm nương thảo quả không dễ. Nhưng chúng đã chọn cái khó khăn ấy và phải vội vã lắm để không trễ mùa thu hoạch chỉ kéo dài 2-3 tuần.

Đường lên rừng thảo quả

Sau khi trao đổi với mấy người dân bằng tiếng địa phương, anh Lý A Chiệp, nhân viên Trường tiểu học Tả Ngảo, xã Bản Qua, Bát Xát, Lào Cai thông báo: "Chỉ còn hộ anh Páo đang xếp lò, lên đó mất nửa ngày. Các anh đưa 100 ngàn em đưa tới tận lán".

Một nương thảo quả trên dãy Hoàng Liên

Đường đi là lối mòn cứ đỏng đảnh vắt ngược lên sườn núi dựng đứng. Thi thoảng phía trước vẳng tiếng bước chân lịch bịch chúng tôi lại phải đứng giãn bên vệ đường cho mấy bà con còng lưng vì thảo quả lao xuống gần với tốc độ rơi tự do. Những bộ áo quần ướt sũng, lấm bùn và bụi rừng nhem nhuốc. "Trên núi mưa to, suốt đêm hôm qua", anh Chiệp phiên dịch.

Tác giả với khẩu súng săn

Rừng tự nhiên ở đây chia các tầng sinh thái rất rõ. Sau khoảng nương, ruộng của bà con là vành đai chuối rừng ken dày với những búp đỏ lập loè. Tiếp đến là rừng gỗ lớn thân vỡ ra lớp vẩy như da rồng, cây toả ra mùi hôi, hắc. Dưới mặt đất chằng chịt những dây hèo, song và mây. Con đường mòn nhấy nhụa, chúng tôi cố để không bị sảy chân, những cái gai hèo dài và sắc lạnh đang mai phục dọc hai bên.

Một lão phu trên đường lên nương thảo quả

Độ dài chặng đường được tính bằng các tầng cây. Bầu trời ngả ráng chiều, qua 8 tiếng leo núi chúng tôi ngã xuống tấm nệm thực bì mục, xốp bên cạnh lán thảo quả của anh Páo. Mùi thơm quyến rũ của thảo quả khiến cơn mệt nhọc tan dần.

Chuẩn bị củi gỗ cho lò sấy

Lán của anh Páo lúp xúp, lấp ló trong nương thảo quả. Mái che bằng lá thảo quả và một tấm bạt xanh. Nơi đây được những người đi rừng coi là "khách sạn" chốn cùng lâm. Sự thực thì lán chỉ khác là có ánh điện suốt ngày đêm. Anh Páo mang một máy thuỷ điện cỡ nhỏ lên đây để tiện sinh hoạt. Chủ lán không hài lòng khi chúng tôi xuất hiện nên có cái bắt tay khá khiên cưỡng. Sau đó anh Chiệp có dịch nguyên văn lời chủ lán: "Tao ghét bọn nhà báo, nó không muốn mình chặt rừng trồng thảo quả".

Anh Páo bên lò sấy

Trong rừng già đêm buông nhanh như trùm chăn. Sau chớp mắt, một màu đen tuyệt đối phủ khắp khu rừng. Mấy thanh niên bản làm công cho anh Páo lục tục chuẩn bị bữa tối với rượu, mấy miếng thịt gà rừng, thịt sóc sấy khô, canh là nửa gói mì tôm thả vào nồi nước sôi. Một thanh niên nói giọng lơ lớ: "Nhà báo lên từ mấy hôm trước trước thì được ăn thịt lợn cỏ. Mấy hôm nay chẳng bẫy được con nào".

Thảo quả trên lò sấy

Sau bữa cơm, mấy thanh niên bản đứa thì đi đặt bẫy, đi săn, số còn lại say rượu lăn ra ngủ. Thì ra việc vận động bà con giao nộp súng săn trong mấy năm qua mới chỉ thu được phần nổi. Những người cần giữ lại súng họ giấu trong rừng. Ở lán có 7 người đàn ông thì có 5 khẩu súng săn.

Bữa cơm trong rừng

Còn lại tôi và anh Páo là thức với bếp lò sấy thảo quả đang ngùn ngụt lửa. Anh Páo ngồi lặng, vô hồn như thân cây mới bị chặt hạ. Ngoại trừ động tác thi thoảng đưa thêm khúc củi to bằng nửa người ôm vào lò là chứng minh sự sống trong anh. Mọi câu hỏi của tôi đều nhận được sự câm lặng dù tôi biết anh nói thạo tiếng phổ thông.

Túp lều chật như váy đụp, mọi thứ đều toát ra mùi ngai ngái nên tới quá nửa đêm tôi mới dám ngả lưng. Nhưng vừa chợp mắt bỗng giật bắn mình vì một tiếng nổ chát chúa. Có lẽ một con thú mất cảnh giác đã lìa bỏ sự sống. Cả khu rừng thức giấc bằng một tiếng hú dài, rợn rợn, thảm thiết như của loài vượn. Tiếp đó là tiếng kêu oàng oạc của loài thú ăn đêm, tiềng khùng khục của loài chim đồng loạt bắt nhịp.

Gùi thảo quả về bản

Chặng đường dài và rượu khiến tôi chìm dần vào giấc ngủ. Không có tiếng búa, tiếng cây đổ ào ạt có lẽ cánh phóng viên vẫn không hay biết mặt trời đã lên cao. Mùa thu hoạch thảo quả đã khép lại, công việc của đám người làm công trong ngày mới là đốn rừng nhường chỗ cho thảo quả và tạo nguồn củi cho mùa sấy sau. Cây thảo quả chỉ kết trái trong rừng già nhưng cùng cần ánh sáng để mang lại năng suất cao. Với người trồng thảo quả, những khái niệm "sinh thái", "biến đổi khí hậu"... quả là xa lạ so với nồi cơm của họ. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, để sấy 10 kg thảo quả tươi cần 1 ster (m³) gỗ.

Một cây gỗ bị chặt hạ trong nương thảo quả

Hiện Lào Cai có 55 xã thuộc 7/9 huyện, thành phố có mặt cây thảo quả với diện tích trên 7 ngàn ha. Sản lượng hàng năm khoảng 1.020 tấn thảo quả khô (khoảng 7 ngàn tấn quả tươi), nếu đem nhân với số củi, gỗ sấy hàng năm quả là con số khổng lồ. Đó là ghi nhận của chúng tôi sau một chuyến đi không nhiều niềm vui.

Cao Cường

http://www.tinnhanhblog.com/article/dulich/5811/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét