Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Kho báu giữa đại ngàn

Rừng núi thiêng liêng và bí ẩn, nơi cất giữ rất nhiều kho báu mà không mấy người thấy được. Chỉ những ai học được câu thần chú mới mở được cánh cửa rừng. Câu thần chú ấy thật đơn giản, đó là tình yêu rừng. Rừng sẽ dâng hiến tất cả kho báu của mình cho những ai yêu rừng…
Mùa vui nay đã về...
Bản Hua Khắt đang vào mùa thu hoạch thảo quả, mùa đông vừa qua không có băng giá nên các nương thảo quả đều được mùa. Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 50.000 ha rừng tự nhiên, nằm ở hầu khắp các xã, nên người dân xã nào cũng trồng thảo quả. Nhưng trồng nhiều nhất là các xã: Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Tạo và Nậm Khắt với tổng diện tích khoảng 800 ha.

Niềm vui được mùa thảo quả

Thảo quả là cây được người dân một số nước sử dụng làm gia vị thức ăn và chế biến dược liệu. Trung Quốc không chỉ thu mua thảo quả về sử dụng trong nước mà còn chế biến xuất khẩu sang các nước Trung Á hàng ngàn tấn mỗi năm. Cho đến nay chưa có cơ quan nào nghiên cứu đầy đủ về giá trị của cây thảo quả cũng như giá cả đích thực mỗi tấn thảo quả trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng đối với người dân miền núi, từ nhiều năm nay đã coi cây thảo quả là cây vàng, nương thảo quả chính là kho báu mà họ cất giữ trong rừng.
Ông Thào Nhà Đình ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mùa Cang Chải vừa gặt xong lúa mùa gia đình ông bắt tay luôn vào thu hoạch thảo quả. Ông chỉ tay lên cánh rừng bảo: "Nhà mình trồng hơn 900 khóm, mới trồng được 6 năm nay tại khu vực rừng Cao Phạ này. Cây thảo quả trồng 3 năm mới được thu hoạch, năm đầu mỗi khóm được một vài cân quả thôi, nó còn non mà. Mấy năm nay khóm của nó mới to bằng cái bề, có khóm rộng hơn bốn gang tay. Phải phát hết cỏ và vét mùn vào gốc, thì nó mới tốt. Năm nay không có tuyết và mưa đá, nên khóm nào quả cũng ra nhiều à. Khóm to thì được hai mươi cân, khóm bé cũng được 5 cân, không ít đâu".
Từ đầu vụ thu hoạch thảo quả đến giờ, mỗi ngày ông Đình phải nhờ anh em trong bản từ 15-20 người hái hộ. Ông cười rất tươi vốc lên tay một vốc thảo quả màu đỏ au bảo tôi: Trên rừng dốc lắm, mỗi người chỉ cõng được ba mươi cân thôi. Hôm nay anh em bận gặt, chỉ có hơn mười người giúp mình đi hái quả. Gia đình mình đã thu được hơn 5 tấn quả rồi, còn khoảng một tấn nữa, chỉ hái ba, bốn ngày nữa là hết.
Bản Hua Khắt có 77 hộ, nhưng có trên 30 hộ trồng thảo quả, hộ trồng nhiều như gia đình ông Thào Nhà Đình chỉ có vài hộ, đó là gia đình: Thào A Páo, Thào A Chua, còn lại do thiếu vốn nên số hộ còn lại chỉ trồng trên trăm khóm, thu chừng 1-2 tấn quả.  

Bố con Thào A Páo với niềm vui được mùa thảo quả

Hôm nay, gia đình Thào A Páo cũng nhờ người thu hoạch thảo quả, vợ con Páo được huy động hết lên rừng. Năm ngoái mưa nhiều và có mưa đá thảo quả nhà Páo bị mưa đá tàn phá nên chỉ thu được 2 tấn, năm nay Páo dự kiến thu khoảng 4 tấn. Páo vuốt mồ hôi trên mặt bảo tôi: Thảo quả chín rồi, nếu không hái nhanh chuột và thú rừng ăn hết. Hôm nay mới thu được mười hai bao, chưa cân đâu nhưng cũng được gần một tấn đấy. Anh em bận gặt, nên họ chưa giúp được mình đi hái thảo quả đâu.
Giá thảo quả năm nay hạ hơn năm ngoái, nhưng mỗi cân tươi cũng bán được mười lăm ngàn đồng. Mọi năm bà con dựng lán trong rừng sấy khô mới thồ ra, mỗi tấn thảo quả sấy khô phải cần từ 10-12 m3 củi. Kiểm lâm yêu cầu các chủ nương mang thảo quả ra khỏi rừng sấy, hạn chế việc chặt cây làm củi và tránh lửa lan từ các lò sấy thảo quả ra rừng. Thảo quả thu về được bán ngay cho các thương lái tại cửa rừng. Anh Phạm Ngọc Tình- người dân xã Nậm Púng (Văn Chấn) từ mấy năm nay là đầu mối tiêu thụ thảo quả cho bà con các xã: Cao Phạ, Púng Luông và Nậm Khắt.
Anh Tình chả cần giấu diếm: Từ đầu vụ đến giờ em đã thu mua cho bà con hơn 200 tấn rồi, riêng bản Hua Khắt này chừng 50-60 tấn. Năm nay em dự kiến tiêu thụ cho bà con khu vực Cao Phạ - Púng Luông khoảng 300 tấn. Giá thảo quả năm nay hạ quá, bán tại cửa khẩu Lào Cai chỉ được 120.000đ/kg. Mỗi yến quả tươi khi sấy khô chỉ được hơn hai cân, lờ lãi chả được bao nhiêu đâu anh ạ. So với nhiều năm trước giá hạ nhiều, nhưng năm nay được mùa, nên bà con vẫn thu khá. Gia đình ông Thào Nhà Đình năm nay thu 6 tấn, tính sơ sơ cũng ngót trăm triệu chứ ít đâu…
Với 800 ha thảo quả, năng suất thấp nhất 1tấn/ha, tính ra số tiền thu được từ bán thảo quả của người dân huyện Mù Cang Chải năm nay khoảng 12-15 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu không nhỏ đối với bà con vùng núi. Ông Thào Nhà Đình dự kiến dùng số tiền gần 100 triệu để sửa sang lại nhà cửa, mua thêm mấy con trâu cho lũ trẻ chăn dắt, còn xe máy thì các con ông đều đã có cả rồi. 

Nương thảo quả của người dân xã Ý Tý và Dền Sáng

Ba xã Ý Tý, Dền Sáng và Sảng Ma Sáo thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từ lâu nổi tiếng với những rừng thảo quả bạt ngàn. Các xã này nằm lọt giữa cánh rừng đại ngàn Ý Tý – Dền Sáng, có tổng diện tích 9.292 ha, trong đó vùng lõi có 5.180 ha. Cuộc sống của người dân ở đây, từ bao đời nay đều gắn bó với rừng. Rừng không chỉ cung cấp cho họ củi để chống chọi lại với cái rét ngằn ngặt của mùa đông dài dằng dặc trên núi cao, rừng còn che chở cho những nương thảo quả của họ. Xã Ý Tý chỉ có 295 ha ruộng nước cấy một vụ, năm nào mưa thuận gió hòa, ít sâu bệnh thì được khoảng 1.253 tấn thóc. Để đảm bảo cuộc sống cho trên 4.000 người, họ phải trồng thảo quả, theo chủ tịch xã Ly Dờ Có: Ý Tý có 80% số hộ trồng thảo quả với diện tích trên 500 ha, năm thu nhiều nhất được khoảng 30-35 tấn quả khô, có năm giá bán được 150.000đ/kg, những năm gần đây chỉ bán được 70.000-80.000đ/kg. Tuy vậy, nhưng đó cũng là một nguồn thu đáng kể giúp người dân ổn định cuộc sống.
Phá hay giữ rừng?
Cho đến nay có nhiều ý kiến khác nhau về cây thảo quả. Có người cho rằng: Trồng thảo quả đồng nghĩa với việc phá rừng, nhưng có người lại khẳng định: Trồng thảo quả rừng được bảo vệ tốt hơn. Các tỉnh miền núi phía Bắc: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La… người dân sống cạnh rừng đều trồng thảo quả. Hiện chưa có thống kê chính xác tổng diện tích thảo quả của các tỉnh là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo các tài liệu khác nhau thì diện tích thảo quả khu vực miền núi phía Bắc ước khoảng trên 15.000ha. Trong đó tỉnh Lào Cai 7.200 ha, Lai Châu khoảng 2.500 ha, Yên Bái gần 2.000 ha, Hà Giang trên 1.000 ha.

Tiền bán thảo quả của gia đình Thào A Páo năm nay được khoảng trên 60 triệu, chưa năm nào gia đình Páo lại có món tiền lớn như thế. Tôi hỏi Páo: Tiền nhiều như vậy Páo để làm gì? Páo gãi đầu: Cũng chưa biết làm gì đâu, các con thì muốn mua xe máy mới, vợ thì bảo làm lại nhà. Có thể mình mua trâu, mỗi năm nó đẻ cho mình một con thì tốt chứ?

Đặc tính tự nhiên của cây thảo quả là sống dưới tán rừng già, từ độ cao 800m trở lên, với ánh sáng yếu. Để thảo quả phát triển, người trồng thảo quả phải phát dọn những cây nhỏ, chỉ để những cây to, tán rộng làm tàn che cho cây thảo quả. Nếu để cây rậm quá, thiếu ánh nắng mặt trời cây thảo quả sẽ không phát triển được, nếu nắng quá thì cây cũng bị chết. Từ đó người trồng thảo quả phải dọn cây rừng rất sạch, trong diện tích rừng trồng thảo quả các cây mọc tự nhiên không có thế hệ nối tiếp, khi những cây to già cỗi đến lúc gãy đổ, thì diện tích cây đó che bóng trở thành đất trống đồi núi trọc.
Như vậy, việc phát triển cây thảo quả mà mặt trái của nó đang hủy hoại tài nguyên rừng, nhiều loài động thực vật quí hiếm trong khu vực trồng thảo quả bị tiêu diệt. Đấy là về mặt sinh thái, còn về mặt xã hội không thể bắt người dân sống bảo vệ rừng trong nghèo đói. Trồng thảo quả đã mang lại lợi ích lớn cho người dân, những khu rừng trồng thảo quả được người dân bảo vệ rất tốt, người ngoài không thể động dao vào được. Việc bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế cần hài hoà và có sự qui hoạch cụ thể, nếu không rừng khó tồn tại khi mà cuộc sống của người dân không được đảm bảo.


http://www.baomoi.com/Home/DuLich/nongnghiep.vn/Kho-bau-giua-dai-ngan/3385592.epi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét