Hiển thị các bài đăng có nhãn Tây bắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tây bắc. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

Tây Bắc và Hội thảo XD Chiến lược và Hệ thống Quản lý cho DN Lào Cai

9h30 pm ngày 15/9: Xe tới KS Le Bordeaux, TP Lào Cai, sau hành trình gần 5h từ Yên Bái. Sáng mai là hội thảo "Xây dựng Chiến lược và Hệ thống Quản lý" cho các DN tại Lào Cai.
Chiều mai lại xuôi Yên Bái, thăm Thủy điện Thác Bà. Sắp kết thúc 1 tuần dài rong ruổi, làm việc và nhậu nhẹt ở Tây Bắc.

Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Thảo quả - cây xoá nghèo cho người Mông Quản Bạ


CAND - 09/07/2008
Ông Giàng A Pao, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang vui mừng nói với chúng tôi: "Cái "anh" thảo quả đã đem lại cuộc sống mới cho ngườiMông Cao Mã Pờ đấy". Rồi ông chỉ tay vào chiếc xe Win mới cáu cạnh bảo rằng: "Tất cả là do thảo quả đấy, vụ này gia đình tôi cũng được trên hai chục triệu nhờ bán thảo quả". Ánh mắt ngập tràn niềm vui của ông Pao khiến đoàn chúng tôi ai cũng vui vui...

 

Chăm sóc, nhân giống cây thảo quả (Ảnh: Trường Giang). 

Ông Lệnh Thế HộiPhó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Việc tìm giải pháp xoá đói, giảm nghèo ở một huyện vùng cao núi đá như Quản Bạ là một việc làm không dễ chút nào, với đặc điểm tự nhiên khắc nghiệt, hằng năm mùa khô kéo dài đến 3 tháng, nguồn nước ít, nên sản xuất nông nghiệp của huyện gặp nhiều khó khăn. Xác định cây thảo quả là một lợi thế, trong những năm vừa qua, huyện đã vận động người dân trồng cây thảo quả, đến thời điểm hiện nay toàn huyện có trên 980 ha. 

Quản Bạ có khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây thảo quả, chính ưu thế và điều kiện tự nhiên thích hợp đã góp phần làm cho cây thảo quả có vị thế trong mục tiêu chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ở huyện. 

Ông Nguyễn Đức Tình, Trưởng phòng Kinh tế huyện cho hay: Để cây thảo quả trở thành cây hàng hoá mũi nhọn của huyện, Quản Bạ đã phát triển mở rộng dự án trồng thảo quả tại ba xã Cao Mã PờTả Ván và Tùng VàiÔng Tình cho biết, bình quân trên thị trường 1kg thảo quả có giá từ 90.000đ đến 104.000đ, năng suất bình quân đạt 3 tạ quả khô/ha. Với thị trường tiêu thụ thảo quả ổn định như hiện nay thì người dân trồng thảo quả sẽ rất yên tâm canh tác. 

Có hướng đi rõ ràng, gắn trồng thảo quả với việc bảo vệ rừng. Cây thảo quả thích nghi dưới những tán rừng có độ ẩm cao, nhiệt độ thấp và đặc biệt giống cây này không cần nhiều ánh sáng. Chính ưu thế này đã giúp người dân có thể gắn giữa phát triển kinh tế vườn rừng và trồng cây thảo quả. Để cây thảo quả tồn tại, phát triển và gắn với sản xuất của người nông dân, huyện Quản Bạ đã khuyến khích nông dân, đặc biệt là đồng bào Mông trồng cây thảo quả.

Với chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, bình quân 1,5 triệu đồng phân bón/ha và tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến bà con. Huyện đã đào tạo tập huấn hàng trăm lượt hộ nông dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch, bảo quản thảo quả. Hiện nay, Quản Bạ đã có doanh nghiệp là Công ty TNHH 567 thị trấn Tam Sơn đứng ra bao tiêu sản phẩm và chế biến thảo quả muối ngay tại huyện để xuất khẩu. 

Chính nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ gia đình người Mông ở các xã Cao Mã PờTùng VàiTả Ván có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng, đời sống của nhiều hộ gia đình người Mông ở các xã này đã có nhiều đổi thay. Diện mạo nông thôn miền núi của các xã đã khá hơn rất nhiều so với vài năm trước đây. 

Chủ tịch xã Tùng VàiGiàng Chẩn Xín cho biết: Với tập quán của người Mông là sản xuất du canh, du cư, trong 5 năm trở lại đây đồng bào được cán bộ vận động chính sách định canh, định cư và hạ sơn của Nhà nước, nay đồng bào đã ổn định cuộc sống lâu dài tại thôn, bản mình. 

Việc huyện đầu tư, khuyến khích các hộ dân trồng thảo quả đã góp phần quan trọng trong chuyển đổi giống, cây trồng trên địa bàn xã, nhiều hộ trong xã đã trồng hàng chục hécta. Nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ đã thoát nghèo và còn mua được cả xe máy, xe công nông phục vụ sản xuất, đi lại nữa. 

Ông Xín cũng cho biết: Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển thảo quả, xã sẽ vận động bà con mở rộng diện tích trồng, khuyến khích mô hình liên kết giữa các gia đình góp đất trồng cây thảo quả. 

Ông Giàng Cồ Hoà, Bí thư Huyện uỷ cho hay: Phát triển các giống cây gắn với lợi thế của từng vùng, đó là điều cần và đủ cho sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, huyện Quản Bạ cần xúc tiến thương mại, tìm thị trường tiêu thụ ổn định và đăng ký thương hiệu, duy trì chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, vốn đầu tư nhiều hơn nữa để cây thảo quả là một trong những cây mũi nhọn góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân. 

Ngoài những yếu tố trên cần có sự quy hoạch phát triển rõ ràng cho từng vùng, từng xã, chứ cứ để phát triển như một phong trào rồi khi trồng nhiều, lại không có thị trường tiêu thụ, thảo quả rớt giá và thiệt hại đương nhiên người nông dân sẽ gánh chịu. Thực tế, nhiều địa phương khác đã mắc phải những sai lầm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm như một phong trào, như cây vải thiều Lục Ngạn giá rẻ như cho trong mùa vụ năm nay là một ví dụ điển hình. 

Xem ra, tìm giải pháp phát triển thích hợp cho cây thảo quả phát triển bền vững đang là một trong những câu hỏi dành cho các nhà quản lý của huyện Quản Bạ nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung sớm tìm câu trả lời. Bởi, với người dân, sự phát triển bền vững chính là đảm bảo tương lai không đói nghèo cho chính gia đình họ. Mong rằng, niềm vui có thu nhập từ cây thảo quả của nhiều người Mông ở huyện Quản Bạ sẽ nối dài...!

Tây Tiến - Quang Dũng

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi!

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.

Phù Lưu Chanh -- 1948

Thứ Ba, 17 tháng 11, 2009

Vực dậy giống gà sắp tuyệt chủng


Gà xương đen.
KTNT - Sau khi phát hiện giống gà xương đen quý hiếm của người Mông ở xã Quyết Tiến (Quản Bạ - Hà Giang) đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đầu năm 2003, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức Caritas (Thụy Sỹ), ông Cao Minh Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Gà xương đen Quyết Tiến đã lập trang trại tại đây nhằm vực dậy giống gà quý hiếm này. 

Khác với loại gà ác (thịt cũng màu đen) ở miền xuôi, gà xương đen của người Mông, cả thịt, xương, mào, chân đều có màu đen. Con trống 7 tháng tuổi cân nặng 3,5kg, con mái 2,5kg; thịt mềm, không quá béo như gà thường. Gà xương đen hầm với tam thất là vị thuốc quý, bồi dưỡng sức khỏe cho người già, phụ nữ mới sinh nở và trẻ em còi cọc. Trứng gà cũng rất bổ, lòng đỏ mịn màng, luộc chín có màu hồng đào thơm phức. Khác với gà thường, gà xương đen chỉ đẻ 70 quả/năm, mỗi năm đẻ trong khoảng 5 tháng. Ông Ngọc cho biết: “Trước năm 2000, giống gà này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đến 100 gia đình đồng bào Mông chỉ có 1 - 2 gia đình nuôi gà xương đen, nhà nhiều nhất chỉ 5 - 6 con, có nhà chỉ còn 2 con để làm giống. Rất may, từ đầu những năm 2000 đến nay, giống gà này bắt đầu được khôi phục ở Hà Giang, khởi đầu là Mèo Vạc, sau đó đến Quản Bạ”.



Lò ấp trứng của Công ty.

Cũng theo ông Ngọc, cơ sở hạ tầng khu chăn nuôi đã xây xong từ 2005, nhưng đến khi bắt tay vào nuôi (2006) lại có dịch cúm gia cầm nên phải dừng lại đến năm 2007 mới bắt đầu. Đến năm 2008, trang trại đã có gần 1.000 gà con. Dự tính, đến cuối năm 2009 sẽ nhân đàn gà bố mẹ lên 2.000 con. Thời gian ấp nở của gà xương đen là 21 ngày, sau đó giao cho dân nuôi. Cán bộ kỹ thuật của Công ty đi kiểm tra, hộ nào đủ tiêu chuẩn về chuồng trại mới được tham gia nuôi gà, thức ăn chủ yếu của gà là ngô hoặc cám gạo. Sau 4 tháng, gà có thể đạt trọng lượng 1,8-2,5kg/con. Theo dõi việc nuôi thử nghiệm của bà con cho thấy, hộ nào nuôi trên 100 con có thể đạt thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Các hộ nhận nuôi gà được huyện hỗ trợ 50% giá giống, 1 triệu đồng xây chuồng; Công ty cung cấp vắc-xin phòng chống dịch bệnh; gặp rủi ro sẽ được hỗ trợ theo luật định. Năm 2008, đã có 30 hộ nhận nuôi, mỗi hộ 100 con, doanh thu đạt 400 triệu đồng; năm 2009, có 60 hộ nuôi. Hiện gà xương đen của Quản Bạ chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh, giá bán 75.000-80.000 đồng/kg. Dự kiến, đến cuối năm 2009, sẽ có hàng phục vụ thị trường trong nước, hiện tại có nhà hàng Sông Hồng ở Vĩnh Phúc đặt 500kg/tuần; Tuyên Quang 200kg/tuần. Đặc biệt, một số người dân ở Điện Biên đang mạnh dạn gây giống. 


Hiện, Công ty cổ phần gà xương đen Quyết Tiến có 5 thành viên trực tiếp điều hành, với mức lương thấp nhất 2.000.000 đồng/người/tháng; cao nhất 3.000.000 đồng/người/tháng. Từ nay đến năm 2012, Công ty sẽ mở rộng hộ chăn nuôi lên 200-300; tăng đàn nuôi lên 300 con /hộ. Tìm kiếm thị trường tiêu thụ trên cả nước.

Hy vọng, trong tương lai không xa, giống gà quý hiếm của đồng bào Mông không những được bảo tồn ở cao nguyên đá mà còn được giới thiệu rộng rãi đến bà con cả nước.

Dương Như An


http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/xaydungnongthonmoi/2009/9/19936.html

Lào Cai: Thảo quả được mùa, được giá

Cập nhật : 29/10/2009 11:32
Đồng bào tỉnh Lào Cai đang bước vào mùa thu hoạch thảo quả. Theo ngành nông nghiệp, với diện tích trên 3.000 ha, sản lượng bình quân 250 tấn quả khô/ha, vụ thảo quả năm nay Lào Cai dự tính thu trên 60.000 tấn quả, giá trị trên 65 tỷ đồng. Đây được coi là vụ thảo quả được mùa, được giá nhất từ trước đến nay với giá bán 65.000đ/kg, xuất ra nước ngoài giá gấp đôi (120.000đ/kg). Hai huyện Bát Xát và Sa Pa trồng nhiều thảo quả nhất, mỗi huyện ước đạt 20 tỷ đồng.

Nhờ được cung cấp giống tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất và sản lượng vụ thảo quả năm nay tăng bình quân 10% so với năm trước. Hộ anh Vàng A Chu, dân tộc Mông ở xã Y Tý; anh Hoàng A Dìn, dân tộc Giáy, xã Mường Vân; anh Phàn Phù Lìn, dân tộc Dao ở xã Trịnh Tường... năm nay lại tiếp tục được mùa với mức thu nhập trên 30 triệu đồng/vụ. Anh Vàng A Chu ở xã Y Tý cho biết: Năm nay anh không mở rộng diện tích mà tập trung thâm canh theo hướng dẫn của khuyến lâm nên sản lượng vẫn đạt cao. Anh và bà con đã áp dụng cách sấy thảo quả theo mô hình lò mới vừa đỡ tốn củi, tránh chặt phá rừng, vừa giảm công sấy và bảo quản.

Với mô hình trồng thảo quả, hàng năm các xã vùng cao tỉnh Lào Cai có từ 5 đến 7% số hộ thoát nghèo, vươn lên giàu có. Năm nay toàn tỉnh dự ước con số thoát nghèo đạt bình quân 4%, trong đó riêng vùng thảo quả đạt trên 7%./.
Theo TTXVN


http://www.khuyennongvn.gov.vn/f-tttr/lao-cai-thao-qua-111uoc-mua-111uoc-gia/view

Kho báu giữa đại ngàn

Rừng núi thiêng liêng và bí ẩn, nơi cất giữ rất nhiều kho báu mà không mấy người thấy được. Chỉ những ai học được câu thần chú mới mở được cánh cửa rừng. Câu thần chú ấy thật đơn giản, đó là tình yêu rừng. Rừng sẽ dâng hiến tất cả kho báu của mình cho những ai yêu rừng…
Mùa vui nay đã về...
Bản Hua Khắt đang vào mùa thu hoạch thảo quả, mùa đông vừa qua không có băng giá nên các nương thảo quả đều được mùa. Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 50.000 ha rừng tự nhiên, nằm ở hầu khắp các xã, nên người dân xã nào cũng trồng thảo quả. Nhưng trồng nhiều nhất là các xã: Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Tạo và Nậm Khắt với tổng diện tích khoảng 800 ha.

Niềm vui được mùa thảo quả

Thảo quả là cây được người dân một số nước sử dụng làm gia vị thức ăn và chế biến dược liệu. Trung Quốc không chỉ thu mua thảo quả về sử dụng trong nước mà còn chế biến xuất khẩu sang các nước Trung Á hàng ngàn tấn mỗi năm. Cho đến nay chưa có cơ quan nào nghiên cứu đầy đủ về giá trị của cây thảo quả cũng như giá cả đích thực mỗi tấn thảo quả trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhưng đối với người dân miền núi, từ nhiều năm nay đã coi cây thảo quả là cây vàng, nương thảo quả chính là kho báu mà họ cất giữ trong rừng.
Ông Thào Nhà Đình ở bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mùa Cang Chải vừa gặt xong lúa mùa gia đình ông bắt tay luôn vào thu hoạch thảo quả. Ông chỉ tay lên cánh rừng bảo: "Nhà mình trồng hơn 900 khóm, mới trồng được 6 năm nay tại khu vực rừng Cao Phạ này. Cây thảo quả trồng 3 năm mới được thu hoạch, năm đầu mỗi khóm được một vài cân quả thôi, nó còn non mà. Mấy năm nay khóm của nó mới to bằng cái bề, có khóm rộng hơn bốn gang tay. Phải phát hết cỏ và vét mùn vào gốc, thì nó mới tốt. Năm nay không có tuyết và mưa đá, nên khóm nào quả cũng ra nhiều à. Khóm to thì được hai mươi cân, khóm bé cũng được 5 cân, không ít đâu".
Từ đầu vụ thu hoạch thảo quả đến giờ, mỗi ngày ông Đình phải nhờ anh em trong bản từ 15-20 người hái hộ. Ông cười rất tươi vốc lên tay một vốc thảo quả màu đỏ au bảo tôi: Trên rừng dốc lắm, mỗi người chỉ cõng được ba mươi cân thôi. Hôm nay anh em bận gặt, chỉ có hơn mười người giúp mình đi hái quả. Gia đình mình đã thu được hơn 5 tấn quả rồi, còn khoảng một tấn nữa, chỉ hái ba, bốn ngày nữa là hết.
Bản Hua Khắt có 77 hộ, nhưng có trên 30 hộ trồng thảo quả, hộ trồng nhiều như gia đình ông Thào Nhà Đình chỉ có vài hộ, đó là gia đình: Thào A Páo, Thào A Chua, còn lại do thiếu vốn nên số hộ còn lại chỉ trồng trên trăm khóm, thu chừng 1-2 tấn quả.  

Bố con Thào A Páo với niềm vui được mùa thảo quả

Hôm nay, gia đình Thào A Páo cũng nhờ người thu hoạch thảo quả, vợ con Páo được huy động hết lên rừng. Năm ngoái mưa nhiều và có mưa đá thảo quả nhà Páo bị mưa đá tàn phá nên chỉ thu được 2 tấn, năm nay Páo dự kiến thu khoảng 4 tấn. Páo vuốt mồ hôi trên mặt bảo tôi: Thảo quả chín rồi, nếu không hái nhanh chuột và thú rừng ăn hết. Hôm nay mới thu được mười hai bao, chưa cân đâu nhưng cũng được gần một tấn đấy. Anh em bận gặt, nên họ chưa giúp được mình đi hái thảo quả đâu.
Giá thảo quả năm nay hạ hơn năm ngoái, nhưng mỗi cân tươi cũng bán được mười lăm ngàn đồng. Mọi năm bà con dựng lán trong rừng sấy khô mới thồ ra, mỗi tấn thảo quả sấy khô phải cần từ 10-12 m3 củi. Kiểm lâm yêu cầu các chủ nương mang thảo quả ra khỏi rừng sấy, hạn chế việc chặt cây làm củi và tránh lửa lan từ các lò sấy thảo quả ra rừng. Thảo quả thu về được bán ngay cho các thương lái tại cửa rừng. Anh Phạm Ngọc Tình- người dân xã Nậm Púng (Văn Chấn) từ mấy năm nay là đầu mối tiêu thụ thảo quả cho bà con các xã: Cao Phạ, Púng Luông và Nậm Khắt.
Anh Tình chả cần giấu diếm: Từ đầu vụ đến giờ em đã thu mua cho bà con hơn 200 tấn rồi, riêng bản Hua Khắt này chừng 50-60 tấn. Năm nay em dự kiến tiêu thụ cho bà con khu vực Cao Phạ - Púng Luông khoảng 300 tấn. Giá thảo quả năm nay hạ quá, bán tại cửa khẩu Lào Cai chỉ được 120.000đ/kg. Mỗi yến quả tươi khi sấy khô chỉ được hơn hai cân, lờ lãi chả được bao nhiêu đâu anh ạ. So với nhiều năm trước giá hạ nhiều, nhưng năm nay được mùa, nên bà con vẫn thu khá. Gia đình ông Thào Nhà Đình năm nay thu 6 tấn, tính sơ sơ cũng ngót trăm triệu chứ ít đâu…
Với 800 ha thảo quả, năng suất thấp nhất 1tấn/ha, tính ra số tiền thu được từ bán thảo quả của người dân huyện Mù Cang Chải năm nay khoảng 12-15 tỷ đồng. Đây là một nguồn thu không nhỏ đối với bà con vùng núi. Ông Thào Nhà Đình dự kiến dùng số tiền gần 100 triệu để sửa sang lại nhà cửa, mua thêm mấy con trâu cho lũ trẻ chăn dắt, còn xe máy thì các con ông đều đã có cả rồi. 

Nương thảo quả của người dân xã Ý Tý và Dền Sáng

Ba xã Ý Tý, Dền Sáng và Sảng Ma Sáo thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từ lâu nổi tiếng với những rừng thảo quả bạt ngàn. Các xã này nằm lọt giữa cánh rừng đại ngàn Ý Tý – Dền Sáng, có tổng diện tích 9.292 ha, trong đó vùng lõi có 5.180 ha. Cuộc sống của người dân ở đây, từ bao đời nay đều gắn bó với rừng. Rừng không chỉ cung cấp cho họ củi để chống chọi lại với cái rét ngằn ngặt của mùa đông dài dằng dặc trên núi cao, rừng còn che chở cho những nương thảo quả của họ. Xã Ý Tý chỉ có 295 ha ruộng nước cấy một vụ, năm nào mưa thuận gió hòa, ít sâu bệnh thì được khoảng 1.253 tấn thóc. Để đảm bảo cuộc sống cho trên 4.000 người, họ phải trồng thảo quả, theo chủ tịch xã Ly Dờ Có: Ý Tý có 80% số hộ trồng thảo quả với diện tích trên 500 ha, năm thu nhiều nhất được khoảng 30-35 tấn quả khô, có năm giá bán được 150.000đ/kg, những năm gần đây chỉ bán được 70.000-80.000đ/kg. Tuy vậy, nhưng đó cũng là một nguồn thu đáng kể giúp người dân ổn định cuộc sống.
Phá hay giữ rừng?
Cho đến nay có nhiều ý kiến khác nhau về cây thảo quả. Có người cho rằng: Trồng thảo quả đồng nghĩa với việc phá rừng, nhưng có người lại khẳng định: Trồng thảo quả rừng được bảo vệ tốt hơn. Các tỉnh miền núi phía Bắc: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang, Sơn La… người dân sống cạnh rừng đều trồng thảo quả. Hiện chưa có thống kê chính xác tổng diện tích thảo quả của các tỉnh là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo các tài liệu khác nhau thì diện tích thảo quả khu vực miền núi phía Bắc ước khoảng trên 15.000ha. Trong đó tỉnh Lào Cai 7.200 ha, Lai Châu khoảng 2.500 ha, Yên Bái gần 2.000 ha, Hà Giang trên 1.000 ha.

Tiền bán thảo quả của gia đình Thào A Páo năm nay được khoảng trên 60 triệu, chưa năm nào gia đình Páo lại có món tiền lớn như thế. Tôi hỏi Páo: Tiền nhiều như vậy Páo để làm gì? Páo gãi đầu: Cũng chưa biết làm gì đâu, các con thì muốn mua xe máy mới, vợ thì bảo làm lại nhà. Có thể mình mua trâu, mỗi năm nó đẻ cho mình một con thì tốt chứ?

Đặc tính tự nhiên của cây thảo quả là sống dưới tán rừng già, từ độ cao 800m trở lên, với ánh sáng yếu. Để thảo quả phát triển, người trồng thảo quả phải phát dọn những cây nhỏ, chỉ để những cây to, tán rộng làm tàn che cho cây thảo quả. Nếu để cây rậm quá, thiếu ánh nắng mặt trời cây thảo quả sẽ không phát triển được, nếu nắng quá thì cây cũng bị chết. Từ đó người trồng thảo quả phải dọn cây rừng rất sạch, trong diện tích rừng trồng thảo quả các cây mọc tự nhiên không có thế hệ nối tiếp, khi những cây to già cỗi đến lúc gãy đổ, thì diện tích cây đó che bóng trở thành đất trống đồi núi trọc.
Như vậy, việc phát triển cây thảo quả mà mặt trái của nó đang hủy hoại tài nguyên rừng, nhiều loài động thực vật quí hiếm trong khu vực trồng thảo quả bị tiêu diệt. Đấy là về mặt sinh thái, còn về mặt xã hội không thể bắt người dân sống bảo vệ rừng trong nghèo đói. Trồng thảo quả đã mang lại lợi ích lớn cho người dân, những khu rừng trồng thảo quả được người dân bảo vệ rất tốt, người ngoài không thể động dao vào được. Việc bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế cần hài hoà và có sự qui hoạch cụ thể, nếu không rừng khó tồn tại khi mà cuộc sống của người dân không được đảm bảo.


http://www.baomoi.com/Home/DuLich/nongnghiep.vn/Kho-bau-giua-dai-ngan/3385592.epi 

Giấc mơ Y Tý

Đặt chân đến Y Tý là bước vào một thế giới khác, như một giấc mơ về vùng đất cổ tích mù sương.


Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát (Lào Cai), nằm ở độ cao trên 2.000m, tựa vào dãy núi Nhù Cù San có đỉnh cao tới 2.660m. Nơi đây gần như quanh năm mây mù bao phủ, rất hiếm khi thấy được ánh nắng mặt trời soi đủ cả ngày. Bởi thế, nhiều người gọi Y Tý là 'vùng đất mù sương'.

Nơi ấy có những con đường ngoằn ngoèo vắt ngang núi, rồi mất hút trong ngút ngàn màu xanh của cây rừng. Những ngôi nhà chìm khuất trong mây thoắt ẩn, thoắt hiện. Những vách núi sừng sững giữa trời. Đâu đó những thác nước trắng xóa từ trên cao đổ xuống đầy kiêu hãnh. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên Y Tý khiến ai đó nếu đã từng đến và được ngập chìm giữa bao la, khoáng đạt, mênh mang và vĩ đại của đất trời, sẽ không thể quên được cảm xúc tuyệt vời này. Vẻ đẹp chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Có lúc, bất chợt từ phía ngọn núi xa xa, gió lại đem mây tới, duềnh lên, nối đất vào với trời xanh, xóa nhòa mọi ranh giới. Có phải vì thế mà khi đặt chân đến Y Tý, nhiều người cảm thấy như mình đang bước vào một thế giới khác, giống như một giấc mơ cổ tích…

Nếu lên Y Tý vào ngày thứ bảy, du khách sẽ được hòa mình vào phiên chợ văn hóa với rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì. Đôi khi còn có cả người Hán từ bên kia biên giới cũng sang trao đổi mua bán hàng hóa ở đây. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức. Không lẫn vào nhau mà cùng nhau làm cho bức tranh Y Tý trở nên đa sắc màu.



Tan chợ, các thiếu nữ miền sơn cước thường đứng ven đường hoặc ngồi trên những tảng đá cùng nhau nói chuyện, hong nắng và thêu thùa. Dưới thung lũng thấp thoáng những ngôi nhà trình tường xinh xắn, kiến trúc độc đáo của người Hà Nhì, người Mông ở Y Tý. Với thiết kế hình chữ nhật, nhà trình tường có một cửa chính và 'cửa tò vò' thông gió ở trên cao, không cửa sổ, nhưng mùa đông rất ấm áp mà mùa hè lại mát mẻ. Tường nhà được nện bằng đất rất dày. Mái nhà được lợp bằng gỗ hoặc cỏ tranh, theo kiểu hình tròn hoặc hình chóp.

Không chỉ gìn giữ những nét đặc sắc của cộng đồng các dân tộc, là nơi có khí hậu, cảnh quan núi rừng hùng vĩ, ÝYTý còn ẩn chứa nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, lao động sản xuất. Trong những khu rừng già ÝYTý, cây thảo quả trở thành nguồn 'vàng nâu' quý giá cho vùng đất này.

Nơi đây, do nhiệt độ thường dưới 20 độ C, có những dòng suối với nguồn nước trong lành quanh năm nên còn là 'địa chỉ đỏ' trong việc phát triển nuôi các giống cá nước lạnh từ xứ sở châu Âu như: cá Hồi Vân, cá Tầm… đã và đang trở thành đặc sản của vùng cao Bát Xát.

Kenzo
Theo Dulich-phuot

http://www.baomoi.com/Home/DuLich/vzone.vn/Giac-mo-Y-Ty/3471778.epi

Ngược rừng tìm thảo quả

(TinNhanhBlog.com), Thứ Sáu, 24.04.2009, 10:12am

Thảo quả sống trong rừng già, ở độ cao 1.500 m (so với mực nước biển) trở lên nên tìm nương thảo quả không dễ. Nhưng chúng đã chọn cái khó khăn ấy và phải vội vã lắm để không trễ mùa thu hoạch chỉ kéo dài 2-3 tuần.

Đường lên rừng thảo quả

Sau khi trao đổi với mấy người dân bằng tiếng địa phương, anh Lý A Chiệp, nhân viên Trường tiểu học Tả Ngảo, xã Bản Qua, Bát Xát, Lào Cai thông báo: "Chỉ còn hộ anh Páo đang xếp lò, lên đó mất nửa ngày. Các anh đưa 100 ngàn em đưa tới tận lán".

Một nương thảo quả trên dãy Hoàng Liên

Đường đi là lối mòn cứ đỏng đảnh vắt ngược lên sườn núi dựng đứng. Thi thoảng phía trước vẳng tiếng bước chân lịch bịch chúng tôi lại phải đứng giãn bên vệ đường cho mấy bà con còng lưng vì thảo quả lao xuống gần với tốc độ rơi tự do. Những bộ áo quần ướt sũng, lấm bùn và bụi rừng nhem nhuốc. "Trên núi mưa to, suốt đêm hôm qua", anh Chiệp phiên dịch.

Tác giả với khẩu súng săn

Rừng tự nhiên ở đây chia các tầng sinh thái rất rõ. Sau khoảng nương, ruộng của bà con là vành đai chuối rừng ken dày với những búp đỏ lập loè. Tiếp đến là rừng gỗ lớn thân vỡ ra lớp vẩy như da rồng, cây toả ra mùi hôi, hắc. Dưới mặt đất chằng chịt những dây hèo, song và mây. Con đường mòn nhấy nhụa, chúng tôi cố để không bị sảy chân, những cái gai hèo dài và sắc lạnh đang mai phục dọc hai bên.

Một lão phu trên đường lên nương thảo quả

Độ dài chặng đường được tính bằng các tầng cây. Bầu trời ngả ráng chiều, qua 8 tiếng leo núi chúng tôi ngã xuống tấm nệm thực bì mục, xốp bên cạnh lán thảo quả của anh Páo. Mùi thơm quyến rũ của thảo quả khiến cơn mệt nhọc tan dần.

Chuẩn bị củi gỗ cho lò sấy

Lán của anh Páo lúp xúp, lấp ló trong nương thảo quả. Mái che bằng lá thảo quả và một tấm bạt xanh. Nơi đây được những người đi rừng coi là "khách sạn" chốn cùng lâm. Sự thực thì lán chỉ khác là có ánh điện suốt ngày đêm. Anh Páo mang một máy thuỷ điện cỡ nhỏ lên đây để tiện sinh hoạt. Chủ lán không hài lòng khi chúng tôi xuất hiện nên có cái bắt tay khá khiên cưỡng. Sau đó anh Chiệp có dịch nguyên văn lời chủ lán: "Tao ghét bọn nhà báo, nó không muốn mình chặt rừng trồng thảo quả".

Anh Páo bên lò sấy

Trong rừng già đêm buông nhanh như trùm chăn. Sau chớp mắt, một màu đen tuyệt đối phủ khắp khu rừng. Mấy thanh niên bản làm công cho anh Páo lục tục chuẩn bị bữa tối với rượu, mấy miếng thịt gà rừng, thịt sóc sấy khô, canh là nửa gói mì tôm thả vào nồi nước sôi. Một thanh niên nói giọng lơ lớ: "Nhà báo lên từ mấy hôm trước trước thì được ăn thịt lợn cỏ. Mấy hôm nay chẳng bẫy được con nào".

Thảo quả trên lò sấy

Sau bữa cơm, mấy thanh niên bản đứa thì đi đặt bẫy, đi săn, số còn lại say rượu lăn ra ngủ. Thì ra việc vận động bà con giao nộp súng săn trong mấy năm qua mới chỉ thu được phần nổi. Những người cần giữ lại súng họ giấu trong rừng. Ở lán có 7 người đàn ông thì có 5 khẩu súng săn.

Bữa cơm trong rừng

Còn lại tôi và anh Páo là thức với bếp lò sấy thảo quả đang ngùn ngụt lửa. Anh Páo ngồi lặng, vô hồn như thân cây mới bị chặt hạ. Ngoại trừ động tác thi thoảng đưa thêm khúc củi to bằng nửa người ôm vào lò là chứng minh sự sống trong anh. Mọi câu hỏi của tôi đều nhận được sự câm lặng dù tôi biết anh nói thạo tiếng phổ thông.

Túp lều chật như váy đụp, mọi thứ đều toát ra mùi ngai ngái nên tới quá nửa đêm tôi mới dám ngả lưng. Nhưng vừa chợp mắt bỗng giật bắn mình vì một tiếng nổ chát chúa. Có lẽ một con thú mất cảnh giác đã lìa bỏ sự sống. Cả khu rừng thức giấc bằng một tiếng hú dài, rợn rợn, thảm thiết như của loài vượn. Tiếp đó là tiếng kêu oàng oạc của loài thú ăn đêm, tiềng khùng khục của loài chim đồng loạt bắt nhịp.

Gùi thảo quả về bản

Chặng đường dài và rượu khiến tôi chìm dần vào giấc ngủ. Không có tiếng búa, tiếng cây đổ ào ạt có lẽ cánh phóng viên vẫn không hay biết mặt trời đã lên cao. Mùa thu hoạch thảo quả đã khép lại, công việc của đám người làm công trong ngày mới là đốn rừng nhường chỗ cho thảo quả và tạo nguồn củi cho mùa sấy sau. Cây thảo quả chỉ kết trái trong rừng già nhưng cùng cần ánh sáng để mang lại năng suất cao. Với người trồng thảo quả, những khái niệm "sinh thái", "biến đổi khí hậu"... quả là xa lạ so với nồi cơm của họ. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, để sấy 10 kg thảo quả tươi cần 1 ster (m³) gỗ.

Một cây gỗ bị chặt hạ trong nương thảo quả

Hiện Lào Cai có 55 xã thuộc 7/9 huyện, thành phố có mặt cây thảo quả với diện tích trên 7 ngàn ha. Sản lượng hàng năm khoảng 1.020 tấn thảo quả khô (khoảng 7 ngàn tấn quả tươi), nếu đem nhân với số củi, gỗ sấy hàng năm quả là con số khổng lồ. Đó là ghi nhận của chúng tôi sau một chuyến đi không nhiều niềm vui.

Cao Cường

http://www.tinnhanhblog.com/article/dulich/5811/


Háo hức lên rừng hái thảo quả

(VOV) - Sau mùa gặt lúa ở ruộng bậc thang, bà con các dân tộc vùng Tây Bắc lại rủ nhau lên rừng hái thảo quả, sấy khô để bán lấy tiền làm nhà mới to đẹp hơn hoặc mua thêm xe máy, ti vi đời mới…

Thảo quả là cây dược liệu quý và được coi là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao nhất so với các loại cây trồng khác ở vùng núi cao từ gần 1000 mét trở lên so với mặt biển. Đặc biệt cây thảo quả chỉ phát triển bình thường và cho ra quả nếu được trồng dưới những tán cây lớn trong rừng nguyên sinh ở một số huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La.

Riêng tỉnh Lào Cai hiện có gần 3.000 héc ta thảo quả (lớn nhất cả vùng Tây Bắc ), năng suất bình quân 250 kg quả khô/héc ta. Giá bán thảo quả tại nhà hiện là 65.000 đồng/kg quả khô, còn đưa sang thị trường Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) có giá bán trên dưới 120.000 đồng /kg (có năm đã tăng lên hơn 200.000/kg).

Đây là nguồn thu lớn và quan trọng của nhiều gia đình ở vùng cao tỉnh Lào Cai. Có lẽ vì thế từ xa xưa ở các huyện Bát Xát, Sa Pa (tỉnh Lào Cai) người ta thường ví cây thảo quả là cây vàng, cây bạc của người Dao, người Mông, người Hà Nhì…

Cây thảo quả là loại thân cỏ mềm trông giống như cây riềng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và thường được trồng bằng những nhánh tẽ ra từ gốc cây chủ có tuổi trồng 5-6 năm trở lên với mật độ 5.000 gốc /ha . Sau 3 năm thảo quả đã cho quả sai. Nếu trồng ở nơi đất tốt và chăm sóc chu đáo nhiều nương thảo quả 30 -50 tuổi vẫn cho năng suất và sản lượng ổn định. Có lẽ vì vậy cây rừng trong những nương thảo quả luôn được bảo vệ nghiêm ngặt từ đời này sang đời khác.

Xin gửi đến bạn đọc những hình ảnh mà chúng tôi vừa ghi lại ở vùng núi cao Bát Xát (tỉnh Lào Cai) trong mùa thu hoạch thảo quả năm 2009.

Những nương thảo quả sống dưới tán rừng già cao 1600 mét ở khu vực Ý Tý (Bát Xát, Lào Cai)

Tháng 9-10 âm lịch hàng năm là mùa thu hái thảo quả đã chín để mang về, sấy khô

Gia đình chị Lý Tảo Mẩy ở thôn Ngải Chồ, xã Sền Sáng, Bát Xát

Chùm thảo quả sấy khô đạt loại A giá bán 67.000 nghìn đồng/1kg ngay tại nhà

Một lò sấy thảo quả trong rừng của gia đình ông Tẩn Sài Phù, thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng, Bát Xát

Kiểm tra thảo quả sau khi sấy khô
Ông Tẩn Phu Seo, thôn Trung Chải

Chở thảo quả khô về nhà


Một điểm thu mua thảo quả ở xã Sảng Ma Sáo (Bát Xát) sáng ngày 25/10 với giá bán 65.000/1kg

Phạm Ngọc Triển, Phạm Ngọc Bằng (thực hiện)
http://www.maivoo.com/Phong_su_anh/Hao-huc-len-rung-hai-thao-qua/82689.html

Làng thảo quả trên đỉnh Hoàng Liên Sơn

Nằm chót vót trên độ cao hơn 2.600m của đỉnh Nhỉ Cù San thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Y Tý là ngôi làng nghèo, xa xôi, cách trở nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, sát với biên giới Việt - Trung và cũng là nơi thượng nguồn của con sông Hồng đổ về đất Việt.

Mới vài năm trước đây, từ làng muốn về đến trung tâm huyện Bát Xát để đi chợ, người ta phải mất cả gần mười ngày trời đi bộ cả đi lẫn về, cuộc sống của người dân ở đây gần như tách biệt hẳn với thế giới văn mInh bên ngoài. Nhưng bây giờ Y Tý trở thành ngôi làng tỉ phú độc đáo nhất ở vùng cao với những rừng cây thảo quả bạt ngàn làm đổi đời người dân.

Từ TP Lào Cai, đi ngược dòng sông Hồng ngót 100km đường đèo, núi thì mới tới được Y Tý. Những cánh rừng thảo quả mênh mông chồi lên như những mầm xanh mướt dưới tán rừng già xen với lối đi dốc dựng đứng dẫn vào làng.

Bắt núi rừng “đẻ” ra tiền

Lang thao qua tren dinh Hoang Lien Son
Mùa thảo quả vùng cao Bát Xát
Trên con đường núi vừa mới mở, xuất hiện khá nhiều những chiếc ôtô của tư nhân đậu trước các căn nhà gỗ, nhà gạch mới cất khá đồ sộ. Xe máy chạy vi vu nhộn nhịp trên đường. Nhà dân nào ở đây cũng lắp “chảo” thu sóng tivi. Nhiều gia đình có cả máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ.

Ông Tráng A Vàng, người Mông, nói: “Tất cả là nhờ thảo quả cả đấy. Cuộc sống hiện nay cứ như mơ!”. Cách đây hơn ba năm, con đường độc đạo xuyên núi cao chưa có. Mỗi khi muốn về xuôi phải dặm dài ròng rã trên lưng ngựa băng suối, vượt đèo. Ngay cả với người dân Lào Cai cũng rất ít người từng đặt chân đến vùng núi non hiểm trở này.

Đêm xuống Y Tý chìm ngập trong bóng đêm dày đặc vì không có điện. Chỉ có tiếng thú hoang sột soạt sát bên nhà. Người dân Y Tý có câu hát vui: “Bao giờ Y Tý có kem, Mường Hum có điện thì em theo chàng...”. Quanh năm Y Tý sương mù phủ kín, trời rét thấu xương.

Người dân trước đây sống theo kiểu tự cung, tự cấp. Cả làng chỉ sống nhờ cây lúa nước, mỗi năm một vụ. Đến mùa đông, nhiệt độ có khi xuống đến âm, nước đóng băng khắp nơi. Gia súc phải được đắp chăn vì nếu không sẽ lăn ra chết vì lạnh. Còn người dân cứ phải đóng kín cửa nhà, ngồi đốt lửa để sưởi.

Lang thao qua tren dinh Hoang Lien Son
Thảo quả trong rừng già Y Tý (Bát Xát)
Vài năm trước, Y Tý là một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh. Người dân thất học lại đẻ nhiều. Nhiều gia đình có cả chục con. Đông con, thất học, không có việc làm, cái vòng đói nghèo cứ bủa lấy Y Tý.

Cứ vào cuối và đầu năm là dân lại đói. Người Y Tý ăn tết trong đói, rét. Có năm quá nửa dân làng bị đói. Cả huyện và xã phải lo cứu đói cho dân. Mùa xuân đối với dân Y Tý là kỷ niệm buồn.

Chẳng lẽ cứ đói nghèo mãi? Chính quyền cùng dân làng ngồi lại với nhau bàn chuyện xóa nghèo. Vùng đất khắc nghiệt này may mắn hợp với cây thảo quả, loại cây hương liệu nhìn giống như cây riềng, trồng dưới những tán rừng già, dùng làm vị thuốc trị bệnh. “Người Trung Quốc coi thảo quả là một cây thuốc quí, lùng mua với giá cao, thì tại sao làng mình không trồng nó chứ...” - ông Tráng A Lữ, phó chủ tịch xã Y Tý, nhớ lại.

Những năm trước chưa có đường đi lại, thương lái không thể vào làng thu mua thảo quả. Thảo quả mọc hoang, quả chín rơi đầy mà chẳng ai buồn nhặt. Gặp lúc đói rét, người dân chỉ biết nhặt thảo quả về làm gia vị cho bữa ăn. Trong khi đó, thảo quả ở thị trường có năm lên cơn “sốt”, giá hơn trăm ngàn đồng một ký. Thương lái qua Sa Pa, Văn Bàn, Lào Cai, Quản Bạ, Hà Giang... lùng mua trong khi “trung tâm” thảo quả Y Tý lại “dửng dưng” đứng ngoài.

Lang thao qua tren dinh Hoang Lien Son
Vợ chồng ông Phản Phù Lin kiểm tra thảo quả trước khi bán
“Bây giờ phải tính chuyện làm giàu thôi. Bắt núi rừng nó “đẻ” ra tiền chứ”, dân Y Tý bảo nhau như vậy. Vậy là người dân bắt tay vào trồng thử nghiệm cây thảo quả dưới tán rừng già. Thảo quả trồng khoảng 1.400-1.500 khóm/ha, đến mùa thu hoạch từ tháng tám đến tháng mười, rồi đem sấy khô, thu được khoảng 200kg thảo quả khô/ha. Một ký thảo quả khô được thu mua với giá 60.000-80.000 đồng. Cứ khoảng 5ha thu được ngót 100 triệu đồng.

Bây giờ dân Y Tý thi nhau trồng thảo quả. Một hộ khai khẩn núi rừng trồng 5-10ha, đến mùa thu hoạch được vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Ôtô của thương lái vào làng thu mua thảo quả tấp nập. Từ một nơi nghèo xơ xác, Y Tý trở thành ngôi làng thảo quả trù phú, xuất hiện nhiều tỉ phú vùng cao có cơ ngơi vài tỉ đồng.

Tráng A Lữ cho biết xã có gần 600 hộ, hiện không còn hộ đói, hộ nghèo. “Tỉ phú” thảo quả có hàng chục hộ, còn “triệu phú” thảo quả thì “nhiều lắm, nhiều lắm”. Cuộc sống khá giả, dân Y Tý cũng đã biết đầu tư cho con ăn học, đã có năm hộ “gửi” con đi học đại học ở tận Hà Nội để sau này về “kinh doanh” thảo quả.

Khát vọng trên đỉnh núi

Lang thao qua tren dinh Hoang Lien Son
Mười cân thảo quả tươi thì được một cân thảo quả khô như thế này
Đến làng thảo quả Y Tý ngày nay, người ta thấy cảnh sinh hoạt nhộn nhịp hẳn của một “phố” vùng cao. Chợ phiên họp vào ngày cuối tuần đông đảo người miền xuôi lên buôn bán cả tivi màu, đầu đĩa, nồi cơm điện, máy giặt..., những thứ trước đây quá xa lạ với người dân Y Tý.

Ngồi trong căn nhà gỗ mới cất hơn 400 triệu đồng, máy điều hòa chạy o o, theo dõi tình hình thời sự thế giới bằng chiếc tivi màn hình phẳng mới cáu, thu sóng bằng “chảo” mini mua từ Trung Quốc, Vàng A Sinh - người trồng thảo quả nhiều nhất bản - nói: “Kỳ này tao định cho con tao qua Trung Quốc... du học nghề làm thuốc từ cây thảo quả đấy. Sau này có đường vào bản, tao mua hẳn xe hơi đi lại cho tiện...”.

Ông Tráng A Vàng, người dẫn đường cho tôi, cũng vừa mua hai chiếc xe hơi trị giá gần 400 triệu. Một chiếc chuyên chở vật liệu xây dựng từ xuôi lên cho những gia đình cất nhà mới. Một chiếc xe jeep dành để vợ chồng con cái đi chơi. Ông cũng vừa khai trương một “siêu thị” mini phục vụ dân trong làng ra mua sắm sau khi thu hoạch thảo quả. Ông bảo trong làng cũng vừa có ba người mới sắm ôtô như ông. Ông còn dự định sẽ lập hẳn một công ty thu mua thảo quả đem về miền xuôi để không bị thương lái ép giá.

Đến Y Tý những ngày thời tiết sang xuân, những chùm hoa thảo quả vàng tươi nở rộ, tỏa hương thơm ngát cả núi rừng. Dân Y Tý hiện nay hào hứng đổi đời từ loại cây thiên nhiên ưu đãi này. Trong số trên 1.200ha thảo quả ở Bát Xát, Y Tý chiếm diện tích gần phân nửa. Mỗi năm thảo quả đem lại cho vùng núi non này vài chục tỉ đồng. “Chỉ trong vài năm nữa thôi, chúng tôi tin rằng ngôi làng thảo quả của mình sẽ rất giàu. Con đường ấm no cho dân vùng cao đang mở ra trước mặt...”, phó chủ tịch xã Tráng A Lữ tự tin nói.

VŨ BÌNH


http://vietbao.vn/Phong-su/Lang-thao-qua-tren-dinh-Hoang-Lien-Son/40188385/263/

Mùa thảo quả chín rực trong rừng

Ngày đăng bài: 08:32' 27/10/2009 (+7GMT)
Từ đầu tháng 9 âm lịch tới nay, bà con các dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì của vùng núi cao tỉnh Lào Cai lại nô nức vào rừng thu hái vụ thảo quả mới.

Thảo quả không chỉ là cây thuốc quý mà còn để chế biến các loại gia vị độc đáo không thể thiếu trong chế biến món ăn của người Á Đông.

Điểm đặc biệt của cây thảo quả là chỉ phát triển bình thường và cho ra quả nếu được trồng dưới những tán cây lớn trong rừng nguyên sinh ở một số huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La.

Hiện nay tỉnh Lào Cai gần 3.000 héc ta thảo quả (lớn nhất cả vùng Tây Bắc), năng suất bình quân 250 kg quả khô/héc ta, giá bán tại nhà là 65.000 đồng/kg quả khô, còn đưa sang thị trường Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) có giá bán trên dưới 120.000 đồng/kg (có năm lên hơn 240.000/kg).

Thảo quả nguồn thu lớn và quan trọng của một số xã và nhiều gia đình ở vùng cao tỉnh Lào Cai.

Không ít gia đình đã thoát nghèo và trở thành triệu phú, tỷ phú từ trồng thảo quả trong rừng nguyên sinh. Có lẽ vì vậy, cây rừng tự nhiên trong những nương thảo quả luôn được người dân tự nguyện bảo vệ nghiêm ngặt từ đời này sang đời khác.

Xin giới thiệu chùm ảnh chúng tôi vừa ghi lại trong mùa thu hoạch thảo quả năm 2009 của vùng núi cao Bát Xát, tỉnh Lào Cai:

Thảo quả tươi vừa được cắt dưới gốc cây

Tháng 9-10 âm lịch hàng năm là mùa thu hái thảo quả chín



Gia đình chị Lý Tảo Mẩy ở thôn Ngải Chồ, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát chọn thảo quả để sấy khô
Chùm thảo quả sấy khô đạt loại A giá bán 67.000 nghìn đồng/kg ngay tại nhà

Ông Tẩn Phu Seo, người thôn Trung Chải, xã Dền Sáng (Bát Xát) kiểm tra thảo quả sau khi sấy khô

Một điểm thu mua thảo quả ở xã Sảng Ma Sáo (Bát Xát) sáng ngày 25/10 với giá bán 65.000 đồng/kg

Những nương Thảo quả sống dưới tán rừng già cao 1.600 mét ở khu vực Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

(Theo Dân Trí)

http://greennews.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=303&zone=303&ID=12732