Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

Du lịch "đánh hàng" ở Quảng Châu

Nhờ lưng vốn ít tiếng Trung nói "lủng lẳng" tạm ổn nhưng..." mù chữ" (không biết đọc), tôi được bám càng nhóm 8X đang nuôi mộng trở thành doanh nhân thế kỷ 21 đi Quảng Châu du lịch kiêm "đánh hàng lấy thu bù chi".
Góp mỗi người 3, 5 triệu đồng, nhằm tuần lễ trước thềm mùa hội chợ tháng Tư "Quảng Đông rợp trời hoa gạo đỏ, hoa mộc miên tím" cả nhóm xuất phát.

Đẳng cấp sao... xe
Mọi thủ tục đã được công ty lữ hành hoàn tất, nhưng chúng tôi hơi trót dại khi chọn loại xe buýt nhỏ "một sao" biển số 29 để được đưa đón tận nhà, khiến màn mở đầu tour xuất ngoại tưởng chừng đổ bể. Nguyên do là chỉ vừa ra khỏi Hà Nội, suốt 1/3 chặng đường lên Lạng Sơn cho tới Mẹt, gã quái xế vừa liên tục bốc hai cục alô buôn chuyện vừa đánh võng trong cuộc đua "công thức Một" với đồng nghiệp khiến cả xe mấy lần chỉ cách tai nạn trong gang tấc, mà chẳng hề bị cảnh sát giao thông thổi còi.

Bà buôn chuyến thâm niên ngồi gần tôi ghé tai mách nhỏ: "Lần sau chọn xe buýt to mà đi, phải tới điểm đón tập trung nhưng chạy đảm bảo hơn". Hẳn nhiên rồi, ai cũng chỉ có một cuộc đời quý báu!


Đêm trên dòng Châu Giang.

Nhoáng cái đã qua cửa khẩu, nhoáng cái nữa đã râm ran những câu chuyện song ngữ Việt - Hoa trên xe "sao rưỡi" của Trung Quốc chuyển tiếp tới Bằng Tường. Thành phố này cứ như thể là điểm đón dành riêng cho khách Việt với rất nhiều nhà hàng, cửa tiệm chưng biển song ngữ Việt - Hoa. Bến xe buýt khang trang, trật tự. Khu nhà chờ, do một phụ nữ sồn sồn có tên Việt là Liên đảm trách, đủ cả phòng khách, vài phòng nghỉ nhỏ giường đệm sạch sẽ, khu vệ sinh... tạo cảm giác dễ chịu.

Tìm một tiệm có cả bảng hiệu tiếng Việt gần bến xe để ăn tối, chúng tôi hài lòng khi thấy nhân viên chạy bàn tuy chỉ nói tiếng Quảng Đông nhưng mau mắn tìm cho khách tờ thực đơn song ngữ. Bằng cả vốn tiếng Trung lõm bõm và ngôn ngữ cử chỉ, chúng tôi cũng có được bữa tối ngon lành dù có đôi chút nhầm lẫn giữa vịt quay với gà hấp, màn thầu chiên với bánh chẻo. Sau đó cô phục vụ còn vui vẻ tặng lại khách tờ thực đơn giúp nhóm dễ dàng chọn món ăn trong suốt hành trình 4 ngày trên đất bạn.

Một khu chợ ở trung tâm Quảng Châu.

Đúng 9 giờ tối, cả nhóm ung dung lên chiếc xe buýt "5 sao" to vật. Ái chà là dễ chịu, mỗi người được phát một túi nilon đựng giày dép, đi chân trần trên sàn xe lót gỗ công nghiệp sạch tinh. Ba dãy giường hai tầng tổng cộng khoảng 40 chỗ nằm bằng inox sáng choang, chăn đệm trắng muốt. Tivi, máy lạnh, đèn trần, WC cuối xe... thuận tiện chẳng kém gì trên cabin máy bay.

Anh "lơ" chuyến này khá trẻ và đẹp trai, mặc complet lịch sự. Không nói được tiếng Việt và cũng lắc đầu với tiếng Anh, nhưng nụ cười cùng những cử chỉ săn sóc nhã nhặn, ân cần của anh quả là làm đẹp lòng du khách vừa đặt chân tới đất nước Trung Hoa cẩm tú.

Con phố có tên theo phiên âm tiếng Anh khá ngộ nghĩnh "Chín lộn ngược".

Tiếc rằng trong chuyến trở về, chúng tôi phải chứng kiến những pha tiểu xảo kiếm tiền của gã lơ bặm trợn nói tiếng Việt nhoay nhoáy. Hết cãi lộn với khách đặt vé trước phản ứng vì chỗ nằm bị tráo đổi cho khách  nhà xe bắt riêng thu tiền đút túi, tới mỗi trạm kiểm soát gã lại la lối đẩy khách bắt thêm vào WC tới cả vài chục phút để trốn phạt. Thật tiếc!

Chen chợ
Qua một đêm,  xe cập bến Việt Tú Nam nằm cách khách sạn hai sao Đức Chính được quảng cáo là dành hẳn một tầng "Người Việt phục vụ người Việt" có 200 mét. Quy mô bến xe hiện đại hơn và cũng rất trật tự. Được hãng lữ hành hướng dẫn từ trước và đã đặt phòng tại Đức Chính qua mạng Internet, chỉ vài giờ sau cả nhóm đã yên vị trên mấy chiếc taxi đủ màu sắc, mặc sức thả hồn mơ mộng trên những con phố Quảng Châu hoặc cổ kính hoặc hiện đại nhưng đều rợp bóng cây xanh, điểm xuyết đó đây những sắc màu rực rỡ của các loài hoa, nhiều nhất là sắc đỏ hoa phượng và sắc tím hoa mộc miên đang vào chính vụ.

Đảo qua chợ bán sỉ hàng may mặc lớn nhất ở trung tâm thành phố, chọn vài chục lố hàng rồi chúng tôi tranh thủ chuyển sang khu chợ "Sập Sám Hồng" chỉ mở buổi sáng.
Chợ ở Quảng Châu nhìn chung đều khá quy mô kiểu siêu thị hiện đại nhiều tầng. Mặt bằng chợ rất lớn với vô số quầy hàng bố trí chi chít, bao quanh những lối đi nhỏ xíu luôn quá tải dòng người mua bán. Theo chúng tôi nhận thấy thì tuy ồn ã và náo nhiệt như vậy, song trật tự trên toàn khu chợ luôn được đảm bảo mà chủ yếu là nhờ ý thức tự giác của người dân. Không thấy cảnh cãi lộn, tranh giành khách hoặc lừa đảo, trộm cắp.

Chợ nông sản Qingping.

Người bán kẻ mua đều rất trẻ, bán hàng chủ yếu là các cô chân dài, tóc nhuộm đen nhức xù tung kiểu đống rơm, miệng la bai bải mời chào khách. Mua cũng được, xem và lựa hàng chán chê rồi bỏ đi vẫn rất vui vẻ. Mới đầu hè mà chợ đã tung ra khá nhiều kiểu dáng váy áo, quần sort, quần lửng chủ yếu dành cho lứa tuổi teen. Kiểu thì cũng na ná xoay quanh mốt "bom" - thót trên, thót dưới, xoè giữa. Tôi thì thấy giống hệt chiếc đèn lồng hoặc quả bí ngô. Chất liệu vải chủ yếu là thun hoặc cotton mỏng với các gam màu chủ đạo là nâu, tím, trắng, đen hoặc chấm bi. Giá cả khá mềm nếu mua sỉ cả lố, chỉ từ vài chục tới 100 tệ (1 tệ khoảng hơn 2.000 đồng Việt Nam)/bộ. Mua lẻ thì hoặc không bán, hoặc phải thửa với giá gần bằng mua cả lố.

Muốn tầm hàng xịn hoặc nhái hàng chính hãng các thương hiệu nổi tiếng như Prada, Giordano... cũng chẳng mấy khó khăn. Có điều tốt nhất là tầm sư học đạo các ông bà buôn chuyến thâm niên, hoặc chí ít cũng phải lên mạng tìm hiểu địa chỉ và giá cả trước kẻo hố to.

Gồng xe
Vòng lên vòng xuống rời rã cả đôi chân đau nhức vì không biết bao lần bị các kiện hàng to khủng bố đè phải, cả nhóm hì hục kéo chiếc xe đẩy lặc lè hàng ra khỏi chợ đúng giờ cao điểm tan tầm chiều. Nối vào đuôi hàng người dài dằng dặc chờ xe cả tiếng đồng hồ không kết quả dù taxi trong thành phố "nhiều như quân Nguyên", tôi đành gật đầu trước lời mời của bác tài xe ôm ba bánh để rồi lại một lần nữa nếm mùi tay lái lụa Quảng Châu.

Từng vừa kinh hãi vừa ngạc nhiên trước màn lạng lách của các xế taxi Quảng Châu, vào cua không giảm tốc độ cứ như thể sắp quăng tọt cả xe lẫn người vào gầm xe tải, xe buýt. Nay tôi mới biết thêm rằng xế xe ôm ba bánh cũng điệu nghệ chẳng kém. Mỗi lần xe vào cua, tôi lại thót bụng gồng mình trong tư thế nhảy ra tức khắc bởi cả khối hàng hoá lẫn xe đều như sắp đổ vật xuống hít đất. Được cái giá cuốc taxi chỉ vài chục tệ, cuốc xe ôm còn rẻ hơn chỉ 17 tệ, nhưng lại được phen hú vía. Thế mà thực lạ, chả thấy xảy ra vụ tai nạn giao thông nào!

Chợ điện tử Haiyin.

Công bằng mà nói, mọi sự cũng chỉ là chuyện nhỏ so với niềm vui được khám phá những điều mới lạ ở Quảng Châu - một trong những thiên đường mua sắm của Châu Á.

Tiếng tăm lõm bõm, nhưng chúng tôi vẫn rất thoải mái nơi đất lạ. Ngoài những thông tin có được từ hãng lữ hành và qua mạng, chỉ cần thêm một tấm bản đồ cùng những lời chỉ dẫn của người Quảng Châu vui vẻ và thân thiện, chúng tôi nhanh chóng tìm ra phương thức nhanh và rẻ nhất đến những nơi cần thăm thú. Gần thì bắt taxi, xa hơn chút thì đi tàu điện ngầm chỉ mất 5 tệ/chuyến. Xa nữa sang các thành phố khác thì chọn xe buýt, xe
lửa tốc hành, máy bay. Loại nào cũng hiện đại và có nhiều chuyến trong ngày cho ta lựa chọn, mua vé đi ngay hoặc hẹn giờ quay lại, rất tiện.

Sắc phố
Suốt ngày tăm hàng, tối đến cả nhóm mới có dịp thả bộ quanh bờ Châu Giang chiêm ngưỡng "Quảng Châu by night" rực rỡ ánh đèn màu. Muốn ngắm sông thì mua vé xuống thuyền du ngoạn. Muốn xem các nhóm nhảy hip hop, nhảy cổ điển hoặc biểu diễn kinh kịch hay Thái cực quyền thì ra quảng trường trung tâm. Muốn thưởng thức các món nướng hải sản rẻ tiền thì sau 20 giờ tới khu vườn phía sau Đại học Tôn Trung Sơn (Sun Yat-sen University).

Lại muốn chen vai thích cánh nữa thì tới các con phố đi bộ nổi tiếng: Beiging Lu (phố Bắc Kinh, lu là phố), Xiajiu Lu, Dishifu Lu bạt ngàn đèn lồng đỏ và rộn rã tiếng nhạc. Dạo chơi, chụp hình chán rồi thưởng thức thú ẩm thực các miền Trung Hoa hoặc đa quốc gia, rồi lại mua sắm tiếp tại các khu chợ đêm hay thẳng tiến tới những siêu thị mở 24/24 giờ mà chỉ cần hỏi tài xế taxi nào cũng biết.

Thích hàng nông sản hoặc thuốc chữa bệnh thì tới chợ Qingping. Tầm đồ thủ công mỹ nghệ, nhất là đồ ngọc, tới phố Hualin. Tuyến đường Xihu và chợ đêm đèn lồng Huanghuagang là khu dành riêng cho các loại hàng trang trí. Phái mạnh thường tập trung tại chợ điện tử Haiyin. Phái đẹp muốn làm phong phú bộ sưu tập giày dép thì rẽ ngả Daxin. Thực phẩm và hàng tiêu dùng được bày bán ê hề trên đường Yide, còn muốn sắm các loại thiết bị viễn thông điện tử thì tới đường Lingyuan Tây...

Đã tới Quảng Châu dù với mục đích du lịch hay mua sắm, tôi chắc khó ai bỏ qua được cái thú tìm hiểu văn hoá chợ khá thú vị qua một vòng dạo các trung tâm mua bán lớn như Nanfang, các bách hoá đại lầu mang tên: Quảng Châu, Wangfujing Quảng Châu, Xin Da Xin, Dongshan, quảng trường Nanda Tianmao cùng hai trung tâm mua sắm Dongjun và Wankelong...

Ai đã tới Quảng Châu, chắc cũng như tôi, đều muốn ít nhất một lần trở lại.
Linh Nam
 
Nguồn: Lao Động Cuối tuần số 15 Ngày 22/04/2007
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét