Nằm chót vót trên độ cao hơn 2.600m của đỉnh Nhỉ Cù San thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Y Tý là ngôi làng nghèo, xa xôi, cách trở nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, sát với biên giới Việt - Trung và cũng là nơi thượng nguồn của con sông Hồng đổ về đất Việt.
Mới vài năm trước đây, từ làng muốn về đến trung tâm huyện Bát Xát để đi chợ, người ta phải mất cả gần mười ngày trời đi bộ cả đi lẫn về, cuộc sống của người dân ở đây gần như tách biệt hẳn với thế giới văn mInh bên ngoài. Nhưng bây giờ Y Tý trở thành ngôi làng tỉ phú độc đáo nhất ở vùng cao với những rừng cây thảo quả bạt ngàn làm đổi đời người dân.
Từ TP Lào Cai, đi ngược dòng sông Hồng ngót 100km đường đèo, núi thì mới tới được Y Tý. Những cánh rừng thảo quả mênh mông chồi lên như những mầm xanh mướt dưới tán rừng già xen với lối đi dốc dựng đứng dẫn vào làng.
Bắt núi rừng “đẻ” ra tiền
|
Mùa thảo quả vùng cao Bát Xát |
Trên con đường núi vừa mới mở, xuất hiện khá nhiều những chiếc ôtô của tư nhân đậu trước các căn nhà gỗ, nhà gạch mới cất khá đồ sộ. Xe máy chạy vi vu nhộn nhịp trên đường. Nhà dân nào ở đây cũng lắp “chảo” thu sóng tivi. Nhiều gia đình có cả máy giặt, máy điều hòa nhiệt độ.
Ông Tráng A Vàng, người Mông, nói: “Tất cả là nhờ thảo quả cả đấy. Cuộc sống hiện nay cứ như mơ!”. Cách đây hơn ba năm, con đường độc đạo xuyên núi cao chưa có. Mỗi khi muốn về xuôi phải dặm dài ròng rã trên lưng ngựa băng suối, vượt đèo. Ngay cả với người dân Lào Cai cũng rất ít người từng đặt chân đến vùng núi non hiểm trở này.
Đêm xuống Y Tý chìm ngập trong bóng đêm dày đặc vì không có điện. Chỉ có tiếng thú hoang sột soạt sát bên nhà. Người dân Y Tý có câu hát vui: “Bao giờ Y Tý có kem, Mường Hum có điện thì em theo chàng...”. Quanh năm Y Tý sương mù phủ kín, trời rét thấu xương.
Người dân trước đây sống theo kiểu tự cung, tự cấp. Cả làng chỉ sống nhờ cây lúa nước, mỗi năm một vụ. Đến mùa đông, nhiệt độ có khi xuống đến âm, nước đóng băng khắp nơi. Gia súc phải được đắp chăn vì nếu không sẽ lăn ra chết vì lạnh. Còn người dân cứ phải đóng kín cửa nhà, ngồi đốt lửa để sưởi.
|
Thảo quả trong rừng già Y Tý (Bát Xát) |
Vài năm trước, Y Tý là một trong những địa phương nghèo nhất tỉnh. Người dân thất học lại đẻ nhiều. Nhiều gia đình có cả chục con. Đông con, thất học, không có việc làm, cái vòng đói nghèo cứ bủa lấy Y Tý.
Cứ vào cuối và đầu năm là dân lại đói. Người Y Tý ăn tết trong đói, rét. Có năm quá nửa dân làng bị đói. Cả huyện và xã phải lo cứu đói cho dân. Mùa xuân đối với dân Y Tý là kỷ niệm buồn.
Chẳng lẽ cứ đói nghèo mãi? Chính quyền cùng dân làng ngồi lại với nhau bàn chuyện xóa nghèo. Vùng đất khắc nghiệt này may mắn hợp với cây thảo quả, loại cây hương liệu nhìn giống như cây riềng, trồng dưới những tán rừng già, dùng làm vị thuốc trị bệnh. “Người Trung Quốc coi thảo quả là một cây thuốc quí, lùng mua với giá cao, thì tại sao làng mình không trồng nó chứ...” - ông Tráng A Lữ, phó chủ tịch xã Y Tý, nhớ lại.
Những năm trước chưa có đường đi lại, thương lái không thể vào làng thu mua thảo quả. Thảo quả mọc hoang, quả chín rơi đầy mà chẳng ai buồn nhặt. Gặp lúc đói rét, người dân chỉ biết nhặt thảo quả về làm gia vị cho bữa ăn. Trong khi đó, thảo quả ở thị trường có năm lên cơn “sốt”, giá hơn trăm ngàn đồng một ký. Thương lái qua Sa Pa, Văn Bàn, Lào Cai, Quản Bạ, Hà Giang... lùng mua trong khi “trung tâm” thảo quả Y Tý lại “dửng dưng” đứng ngoài.
|
Vợ chồng ông Phản Phù Lin kiểm tra thảo quả trước khi bán |
“Bây giờ phải tính chuyện làm giàu thôi. Bắt núi rừng nó “đẻ” ra tiền chứ”, dân Y Tý bảo nhau như vậy. Vậy là người dân bắt tay vào trồng thử nghiệm cây thảo quả dưới tán rừng già. Thảo quả trồng khoảng 1.400-1.500 khóm/ha, đến mùa thu hoạch từ tháng tám đến tháng mười, rồi đem sấy khô, thu được khoảng 200kg thảo quả khô/ha. Một ký thảo quả khô được thu mua với giá 60.000-80.000 đồng. Cứ khoảng 5ha thu được ngót 100 triệu đồng.
Bây giờ dân Y Tý thi nhau trồng thảo quả. Một hộ khai khẩn núi rừng trồng 5-10ha, đến mùa thu hoạch được vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Ôtô của thương lái vào làng thu mua thảo quả tấp nập. Từ một nơi nghèo xơ xác, Y Tý trở thành ngôi làng thảo quả trù phú, xuất hiện nhiều tỉ phú vùng cao có cơ ngơi vài tỉ đồng.
Tráng A Lữ cho biết xã có gần 600 hộ, hiện không còn hộ đói, hộ nghèo. “Tỉ phú” thảo quả có hàng chục hộ, còn “triệu phú” thảo quả thì “nhiều lắm, nhiều lắm”. Cuộc sống khá giả, dân Y Tý cũng đã biết đầu tư cho con ăn học, đã có năm hộ “gửi” con đi học đại học ở tận Hà Nội để sau này về “kinh doanh” thảo quả.
Khát vọng trên đỉnh núi
|
Mười cân thảo quả tươi thì được một cân thảo quả khô như thế này |
Đến làng thảo quả Y Tý ngày nay, người ta thấy cảnh sinh hoạt nhộn nhịp hẳn của một “phố” vùng cao. Chợ phiên họp vào ngày cuối tuần đông đảo người miền xuôi lên buôn bán cả tivi màu, đầu đĩa, nồi cơm điện, máy giặt..., những thứ trước đây quá xa lạ với người dân Y Tý.
Ngồi trong căn nhà gỗ mới cất hơn 400 triệu đồng, máy điều hòa chạy o o, theo dõi tình hình thời sự thế giới bằng chiếc tivi màn hình phẳng mới cáu, thu sóng bằng “chảo” mini mua từ Trung Quốc, Vàng A Sinh - người trồng thảo quả nhiều nhất bản - nói: “Kỳ này tao định cho con tao qua Trung Quốc... du học nghề làm thuốc từ cây thảo quả đấy. Sau này có đường vào bản, tao mua hẳn xe hơi đi lại cho tiện...”.
Ông Tráng A Vàng, người dẫn đường cho tôi, cũng vừa mua hai chiếc xe hơi trị giá gần 400 triệu. Một chiếc chuyên chở vật liệu xây dựng từ xuôi lên cho những gia đình cất nhà mới. Một chiếc xe jeep dành để vợ chồng con cái đi chơi. Ông cũng vừa khai trương một “siêu thị” mini phục vụ dân trong làng ra mua sắm sau khi thu hoạch thảo quả. Ông bảo trong làng cũng vừa có ba người mới sắm ôtô như ông. Ông còn dự định sẽ lập hẳn một công ty thu mua thảo quả đem về miền xuôi để không bị thương lái ép giá.
Đến Y Tý những ngày thời tiết sang xuân, những chùm hoa thảo quả vàng tươi nở rộ, tỏa hương thơm ngát cả núi rừng. Dân Y Tý hiện nay hào hứng đổi đời từ loại cây thiên nhiên ưu đãi này. Trong số trên 1.200ha thảo quả ở Bát Xát, Y Tý chiếm diện tích gần phân nửa. Mỗi năm thảo quả đem lại cho vùng núi non này vài chục tỉ đồng. “Chỉ trong vài năm nữa thôi, chúng tôi tin rằng ngôi làng thảo quả của mình sẽ rất giàu. Con đường ấm no cho dân vùng cao đang mở ra trước mặt...”, phó chủ tịch xã Tráng A Lữ tự tin nói.
VŨ BÌNH