Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Thị trường dịch vụ tư vấn: Cờ ngoài bài trong, rỉ tai tiền tỷ (P1)

BrandTalk » Sau Viettel thì FPT cũng chọn JW Thompson làm đơn vị tư vấn thương hiệu. Kinh tế khó khăn là thời điểm “đắt khách” của các công ty tư vấn, bởi DN kỳ vọng đây là giải pháp giúp DN tìm hướng đi mới.

Tóm tắt:

- 2 năm qua một loạt DN thuê tư vấn nước ngoài để thực hiện các thay đổi chiến lược: FPT, Viettel, VPBank, Techcombank, Maritime Bank, Vicem và VinaSteel.

- Lý do: DN tái cơ cấu lại do thay đổi mô hình tăng trưởng, khủng hoảng kinh tế và các khó khăn trong nước. Nhiều mô hình thành công khiến DN mạnh tay chi tiền hơn cho dịch vụ tư vấn.

- Tư vấn ngoại phù hợp với các công ty lớn và có tiềm lực tài chính mạnh. Tư vấn trong nước, lợi thế cạnh tranh từ chính quan hệ của NTV với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc DN nội địa.

Thuê tư vấn nước ngoài cũng đang trở thành phong trào như xây dựng thương hiệu cách đây vài năm. Tuy nhiên, giữa một thị trường tư vấn có nhiều thương hiệu trong và ngoài nước góp mặt, việc chọn nhà tư vấn phù hợp đang là khó khăn của nhiều DN.

Sau Viettel thì đến FPT cũng chọn JW Thompson làm đơn vị tư vấn thương hiệu, dù chi phí không hề nhỏ. Thành công của Viettel, cũng như quyết tâm của FPT cho thấy tầm quan trọng của các công ty tư vấn nước ngoài, cũng đồng thời tạo ra một động lực mới cho nhiều DN Việt Nam thuê tư vấn trong quá trình tái cơ cấu hoặc thay đổi mô hình tăng trưởng.

Rỉ tai tiền tỷ

Cách đây không lâu, FPT đã chọn JW Thompson (JWT) – thuộc Tập đoàn truyền thông hàng đầu thế giới WPP – đảm trách việc xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu mới.

Công việc này được JWT thực hiện bài bản từ việc khảo sát hình ảnh FPT trong con mắt các lãnh đạo chủ chốt và khách hàng tiềm năng từ cá nhân đến DN. Dựa trên những khảo sát để mô tả tính cách và con người FPT, JWT xây dựng nên nền tảng thương hiệu FPT.

Tuy không vị đại diện nào của FPT tiết lộ con số của hợp đồng thuê tư vấn ngoại, nhưng ai cũng biết đó là con số không hề nhỏ và chắc chắn sẽ thật sự ngoài tầm với của đa số DN Việt Nam hiện nay.

Cùng với FPT, thị trường trong vòng hai năm qua chứng kiến một loạt DN thuê tư vấn nước ngoài để thực hiện các thay đổi chiến lược. Có thể kể một vài cái tên như: VPBank, Techcombank, Maritime Bank, Vicem và VinaSteel.

Chương trình Phát triển kinh tế tư nhân Mekong (MPDF) và Cơ quan Hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) khảo sát trên 48 DN tư vấn quản trị, 6 cơ quan tư vấn nhà nước hoặc phi lợi nhuận, 28 NTV cá nhân. Kết quả cho thấy: Tuổi đời các công ty tư vấn ở Việt Nam mới có 2-8 năm; 60% hoạt động ở TP.HCM, 33% ở Hà Nội; độ tuổi trung bình của NTV là 30-40 tuổi; trên 30% NTV có bằng MBA, 30% có bằng cử nhân quản trị DN.

Ngoài những lý do thay đổi mô hình tăng trưởng, thì khủng hoảng kinh tế cũng như các khó khăn trong nước khiến DN Việt Nam nhân cơ hội để tái cơ cấu lại.

Ngoài ra, nhiều mô hình thành công sau khi được tư vấn đã khiến các DN Việt Nam mạnh tay chi tiền hơn cho dịch vụ tư vấn.

Năm 2010, Công ty Tư vấn hỗ trợ chiến lược Win-Win đã tiến hành cuộc khảo sát trên 1.000 DN và kết quả cho thấy: trên 90% các công ty lớn (dựa trên lợi nhuận và doanh thu) sử dụng dịch vụ tư vấn, khoảng 40% là các công ty vừa, chưa tới 20% là các công ty nhỏ.

Kết quả khảo sát này cũng cho biết, 80% DN sử dụng dịch vụ tư vấn vì muốn có một góc nhìn khách quan từ những người có chuyên môn sâu; 73% cho rằng việc kết hợp giữa DN và người có chuyên môn sâu sẽ mang lại kết quả hoạt động tốt hơn; và 40% cho rằng dùng dịch vụ tư vấn để tập trung thời gian và công sức cho những việc quan trọng để tạo ra kết quả cao hơn.

Theo ông Đỗ Thanh Năm, Chủ tịch HĐQT Công ty Win-Win: “Ở các nước đã phát triển, các dịch vụ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu nội bộ DN được các công ty xem trọng và đặt hàng, kể cả những tập đoàn lớn dù họ đã có bộ phận nghiên cứu nội bộ.

Vì lẽ đó, hiện nay rất nhiều DN cần đến dịch vụ tư vấn và coi đó là chiến lược thuê ngoài (outsoursing). Hiện nay trung bình mỗi ngày, Win-Win có từ 30-50 DN liên lạc hỏi về dịch vụ này”.

Tương tự, thống kê của các công ty tư vấn như Talentnet, Left Brain Connectors… cũng cho thấy, số khách hàng tìm dịch vụ tư vấn cũng tăng trung bình từ 20 – 30%/năm.

Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Công ty Tư vấn Nhân sự Talentnet, cho biết: “Vào thời điểm kinh tế khó khăn, các công ty càng phải gia tăng cạnh tranh, tạo sự khác biệt, nâng cao hiệu quả công việc nên nhu cầu tư vấn nhân sự càng cao. Hai nhu cầu lớn nhất hiện nay là xây dựng hệ thống lương bổng phúc lợi và chuẩn hóa cơ cấu tổ chức”.

Bằng chứng là các DN tham gia khảo sát lương tăng 30% năm nay, chứng tỏ DN rất quan tâm đến việc đảm bảo tính cạnh tranh bên ngoài và trong nội bộ trong việc thu hút và giữ người. Đặc biệt, số lượng công ty tìm dến các công ty tư vấn rất nhiều, đa phần là những công ty lớn, có ngân sách và chiến lược rõ ràng cho hoạt động này”.

Song hành với các công ty tư vấn trong nước, khá nhiều công ty tư vấn nước ngoài, chuyên sâu nhiều lĩnh vực khác nhau như nhân sự, marketing, thương hiệu, chiến lược… như MC Kinsey, Boston Consulting Group cũng đang góp phần định hình lại mô hình tăng trưởng của nhiều DN Việt Nam.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, thị trường tư vấn tại Việt Nam hiện vẫn còn non trẻ và số lượng công ty tư vấn chuyên nghiệp trong nước cũng không nhiều.

Cờ ngoài, bài trong

Các công ty tư vấn quốc tế có thế mạnh nhờ hệ thống toàn cầu, có một thời gian phát triển rất lâu nên tích lũy hiều kinh nghiệm, tạo dựng được thương hiệu và niềm tin với khách hàng nên thường thắng thầu dự án lớn, nhất là cấp quốc gia, bộ ngành.

Song, điểm mạnh này cũng là điểm yếu của các công ty tư vấn nước ngoài vì kinh nghiệm của họ là kinh nghiệm ở nước ngoài, khi áp dụng vào Việt Nam khó phù hợp do đặc thù phát triển, văn hóa của các công ty Việt Nam không giống như nước ngoài.

Chẳng hạn, nhà tư vấn ngoại thường khuyên DN đi theo những chiến lược với xu hướng đầu tư mạnh ít nhất 3 năm, sau đó bắt đầu thu lợi. Cách làm này sẽ khó phù hợp với DN vừa và nhỏ Việt Nam, do hạn chế về nguồn lực tài chính.

Một mô hình quản lý và kiểm soát tốt có thể giúp DN vận hành suôn sẻ chiến lược đề ra và tối thiểu hóa chi phí không tạo nên giá trị gia tăng (chi phí này thường chiếm từ 2% đến 10% trong tổng chi phí của DN). Xây dựng được bản sắc văn hóa, khai thác được từ 80 – 100% năng lực của cán bộ – nhân viên, mức độ khai thác năng lực bình quân của cán bộ – nhân viên ở các DN hiện nay từ 50 – 60% … (Theo kết quả khảo sát của Win-Win)

Tuổi trung bình của NTV là 30-40 tuổi; trên 30% NTV có bằng MBA, 30% có bằng cử nhân quản trị DN.

Chi phí tư vấn chiến lược cho DN của các công ty tư vấn nước ngoài như MC Kinsey, Boston Consulting Group… cũng khá cao, từ 5 -10 triệu USD/dự án nên rất ít DN vừa và nhỏ có khả năng đáp ứng, chưa kể sau đó mỗi năm các DN này phải chia sẻ lợi nhuận cho các công ty tư vấn.

Vì vậy, tư vấn ngoại chỉ phù hợp với các công ty lớn và có tiềm lực tài chính mạnh. Có DN đã phải trả cho công ty tư vấn nước ngoài McKinsey, Boston Consulting Group phí tư vấn lên đến chục triệu USD.

Còn phía công ty tư vấn trong nước, lợi thế cạnh tranh từ chính quan hệ của NTV với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc DN nội địa. Họ tiếp cận, nắm bắt vấn đề DN rất nhanh, nhưng thường kém dồi dào “kho” giải pháp, nhất là các giải pháp chiến lược dài hơi.

Song, giá cả và uy tín thương hiệu cá nhân của người đứng đầu công ty tư vấn cũng là yếu tố mang lại thành công cho công ty tư vấn trong nước.

Theo bà Tiêu Tiến Trinh, Giám đốc Công ty Talentnet: “Tùy vào nhu cầu của từng DN. Tư vấn Việt Nam sẽ có lợi thế hơn trong việc thấu hiểu nhu cầu, hệ thống nhân sự tại thị trường Việt Nam. Họ sẽ hiểu những tập quán, sâu sát với DN hơn vì vậy những tư vấn sẽ mang tính ứng dụng cao hơn.

Tuy nhiên, DN tư vấn nước ngoài lại có thế mạnh về hệ thống, về phương pháp, công cụ thực hiện bởi đối với các dự án, đặc biêt là lương, sự thấu hiểu không thì chưa đủ. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu làm việc với các công ty Việt Nam nhưng áp dụng phương pháp của các công ty lớn ở nước ngoài”.

Doanh Nhan Sai Gon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét