Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Sai lầm cần tránh trong dẫn dắt sự thay đổi

Từ những quan sát của mình trước thực tế dẫn dắt sự thay đổi của các nhà lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp, tác giả Lê Văn Nam đúc rút và chia sẻ với độc giả những vấn đề đặc trưng nhất trong các kỳ bản tin về chủ đề chiến lược.



Lãnh đạo doanh nghiệp trong môi trường liên tục thay đổi đòi hỏi sự thấu hiểu của việc kết nối uyển chuyển giữa “tầm nhìn” và “hành động”. Nếu như các sáng kiến nhằm tạo ra các thay đổi của doanh nghiệp như tái cơ cấu, cải tiến kỹ thuật, hoạch định lại chiến lược, tăng giảm quy mô, các chương trình chất lượng hay đổi mới văn hóa công ty là “tầm nhìn” thì việc nhận ra các khó khăn khi thay đổi và đưa ra được các biện pháp giải quyết là “hành động”.


Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu luôn được nhắc đến với hai khái niệm suy thoái và phục hồi, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp vì thế cũng liên tục biến đổi và tạo ra những tác động rất khác nhau. Nhiều nỗ lực thay đổi đã giúp một vài doanh nghiệp thích ứng được với các biến động, cải thiện vị thế cạnh tranh trên thị trường và phần nào định hướng sự phát triển trong tương lai. Mặt khác, trong nhiều trường hợp, thay đổikhông mang lại hiệu quả do chúng triệt tiêu lẫn nhau, tiêu tốn nguồn lực và tiền bạc.

 

Thực tế khi thực hiện thay đổi, tổn thất là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hạn chế tổn thất và phát huy tối đa sức mạnh của sự thay đổi nếu tránh được một số những sai lầm dưới đây.


Sự tự tin thái quá


Nhà quản lý đánh giá quá cao khả năng tác động tới nhân viên nhằm tạo ra thay đổi trên quy mô lớn trong tổ chức, nhưng lại đánh giá quá thấp những khó khăn khi kéo người khác ra khỏi vị trí an toàn hiện tại. Hành động của nhà quản lý có thể vô tình gia cố thêm sức ỳ, tình trạng trì trệ sẵn có của tổ chức. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp đã có quá nhiều thành quả trong quá khứ, không có những cuộc khủng khoảng thực sự, các tiêu chuẩn trong công việc thấp, không có nhiều phản hồi tiêu cực từ bên ngoài… sẽ dẫn đến tự tin về một tương lai tốt đẹp và kết quả là: “Quả thực chúng ta có một vài khó khăn nhỏ, nhưng không có gì nghiêm trọng, rồi tất cả cũng sẽ qua.”


Nhóm dẫn đường không đủ mạnh


Nhóm dẫn dắt sự thay đổi phải có đủ sức mạnh, thể hiện bằng chức vụ, thông tin, kinh nghiệm, uy tín, mối quan hệ rộng và năng lực lãnh đạo. Một cá nhân riêng lẻ dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể có đủ tất cả các yếu tố cần thiết của một nhóm dẫn đường để dẫn dắt tổ chức từ bỏ phương thức làm việc truyền thống, thay đổi tư duy và nhận thức về những cải cách mang lại hiệu quả trong doanh nghiệp. Nỗ lực thay đổi nếu thiếu một nhóm dẫn đường giỏi vẫn có thể đạt được một vài kết quả nhất định; tuy nhiên, những kết quả này chỉ là hiệu quả trong ngắn hạn, bởi cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng, một bên là một cá nhân đơn lẻ hoặc một nhóm dẫn đường yếu với một bên là một nhóm bảo thủ, tư lợi và thiển cận, thì cùng với thời gian phần thắng luôn thuộc về phe thứ hai.


Những sai lầm về tầm nhìn


Tầm nhìn chiến lược đóng vai trò then chốt trong việc định hướng và tạo ra những thay đổi. Khi tầm nhìn không phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp thì nỗ lực thay đổi dựa trên định hướng tầm nhìn có thể dẫn đến một kết quả tồi tệ. Cơ cấu tổ chức có thể không tối ưu hơn sau khi thay đổi, quy trình công nghệ mới đưa vào áp dụng nhưng không phù hợp với khả năng và năng lực của đơn vị sản xuất, những quy định mới về văn hóa ứng xử đối với khách hàng vô tình lại làm quy trình bán hàng phức tạp hơn và ảnh hưởng đến năng suất bán hàng…Tất cả những kết quả không mong muốn này đều xuất phát từ nhận thức còn mập mờ của nhà lãnh đạo về tầm nhìn và hướng phát triển của doanh nghiệp.


Mặt khác, ngay cả khi tầm nhìn chiến lược của nhà lãnh đạo là rất cụ thể và phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì vẫn có thể tồn tại những sai lầm dẫn đến kết quả không mong muốn. Nhà lãnh đạo thường cho rằng truyền đạt rõ tầm nhìn chiến lược của công ty chỉ nên giới hạn trong một nhóm những nhà quản lý và cán bộ chủ chốt. Song, một doanh nghiệp không thể đạt được sự thay đổi trên quy mô lớn nếu thiếu sự cống hiến của tất cả con người trong tổ chức. Thực tế là  không có nhiều người chịu đóng góp sức mình, ngay cả khi họ không hài lòng với hiện tại; trừ phi họ thấy lợi ích tiềm tàng của sự thay đổi, sự hấp dẫn và tính khả thi của hành động thay đổi. Vì vậy, truyền đạt thông tin về tầm nhìn chiến lược chỉ giới hạn cho một nhóm nhỏ hoặc toàn thể công ty nhưng lại thiếu tính thuyết phục sẽ khiến nhân viên không thể toàn tâm toàn ý với công cuộc đối mới.


Còn nữa…

1 nhận xét:

  1. Mới tham gia nhưng Nam có những cảm nhận khá tốt về tư vấn quản lý.

    Trả lờiXóa