Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Tái cơ cấu DNNN: Tránh chuyện thay vỏ

Tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, một trong ba trọng tâm của kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, chỉ mới bắt đầu khởi động nhưng đã cho thấy sự bất cập. Nguồn: www.ocd.vn

Khởi động hình thức

Đã có hai lễ ký kết tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp được tổ chức rầm rộ tại Hà Nội tuần qua. Cụ thể, tập đoàn Bảo Việt cam kết tiết giảm 5-10% chi phí quản lý (tính ra khoảng 145 tỉ đồng) cho năm 2012. Lễ cam kết được tổ chức trước giờ diễn ra một cuộc hội thảo mang chủ đề rất hấp dẫn là tái cấu trúc tập đoàn tài chính, bảo hiểm.

Sau Bảo Việt, đến lượt tập đoàn Dệt may (Vinatex). Tại buổi lễ tương tự, được trang tin của Bộ Tài chính dẫn lại cho biết: Vinatex năm nay sẽ tiết giảm thêm 1.178,6 tỉ đồng, sau con số đã tiết kiệm năm 2011 là 741,9 tỉ đồng. Một chuyên gia tài chính nói với TBKTSG rằng, nếu những thông tin này là đúng thì tập đoàn Dệt may đã lập một kỳ tích trong quản trị doanh nghiệp về tiết giảm chi phí. Các cuộc cam kết tiết giảm chi phí sẽ còn xuất hiện ở nhiều tập đoàn, tổng công ty khác.

Không ai phản đối việc tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất ở các tập đoàn, tổng công ty nhưng việc này là việc phải làm thường xuyên của bất kỳ doanh nghiệp nào, chứ không phải là mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp. “Cái mới” ở đây, chỉ là cách tổ chức rầm rộ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và như vậy phần nào đã đi ngược lại mục tiêu tiết kiệm.

Tiến sĩ Nguyễn  Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét chẳng biết các tập đoàn định lượng (ước tính) các con số nói trên từ đâu ra, dựa trên cơ sở nào. Ông cho rằng bản thân doanh nghiệp phải trình bày rõ cắt giảm như thế nào: “Đặc biệt phải có đối tượng giám sát. Nếu doanh nghiệp cắt giảm được thì tốt nhưng không cắt giảm được thì ai chịu trách nhiệm”. Vì thực tế chẳng cần đợi đến quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đã có rất nhiều tuyên bố, cam kết tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả thường đi sau các chủ trương lớn của Chính phủ trong nhiều năm qua. Song, như thường lệ, nó chỉ có màn khởi đầu, còn kết thúc ra sao không ai rõ.

Không phải cứ đi là sẽ thành đường

Thực ra vấn đề quan trọng nhất của việc tái cơ cấu DNNN là chọn hướng đi, chứ không phải cứ tiết kiệm, cắt giảm chi phí. Tại cuộc hội thảo quốc tế về “Tái cơ cấu DNNN” hôm 15-2, ông Nguyễn Trọng Dũng, Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), cho biết phương hướng tái cơ cấu sẽ đi theo ngành, lĩnh vực kinh doanh, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý như trước. Tuy nhiên, cụ thể thế nào thì chính những người trong cuộc còn băn khoăn.

Ông Phạm Viết Muôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), cho biết trước đó một tuần, ông nhận được văn bản của Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ hướng dẫn xem nếu sắp xếp DNNN theo hướng ngành, lĩnh vực thì phải có hướng dẫn cụ thể. “Nếu không có cách làm thì khó”, ông nhấn mạnh và cho biết thêm, ngay cả việc đảm bảo tiến độ phê duyệt các đề án tái cấu trúc trong quí 1- 2012 cũng không khả thi. Quả thực, chỉ còn khoảng 30 ngày làm việc nữa là hết quí 1, mà có tới 21 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty trình lên. Liệu việc phê duyệt có trở thành hình thức?

Thực tế các chuyên gia ở Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đang lúng túng với các giải pháp ưu tiên về tái cấu trúc. Ông Dũng nói rằng, tái cơ cấu theo ngành, lĩnh vực kinh doanh là tiến tới việc DNNN tập trung vào các lĩnh vực như xuất bản, cấp thoát nước, môi trường đô thị, thủy lợi, sửa chữa đường bộ, đường sắt.. hay nói khác đi là DNNN tập trung vào các lĩnh vực công ích. Nhưng thực tế phân loại DNNN hiện nay để phục vụ cho tái cơ cấu lại phân theo loại hình doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hay phân theo chủ sở hữu.

Một điểm khác mà những người trong cuộc cũng chưa có quyết định cuối cùng là tái cơ cấutrước rồi cổ phần hóa doanh nghiệp hay cổ phần hóa trước rồi mới tái cơ cấu? Thậm chí, ông Phan Hoàng Đức, Phó tổng giám đốc VNPT, còn hỏi những người chủ trì việc tái cơ cấu  tái cơ cấu toàn bộ hay tái cơ cấu từng phần vì ở từng doanh nghiệp, việc tái cơ cấu gắn với những thay đổi lớn về quản trị, về cuộc sống của rất nhiều người lao động.

Hiện tái cơ cấu được xem như giải pháp thay thế cho quá trình cổ phần hóa đang bế tắc. Vấn đề là phải định rõ phương hướng và giải pháp thực hiện rồi mới khởi động. Như trường hợp của tập đoàn Bảo Việt, hiện chưa biết tập đoàn này sẽ tái cơ cấu theo hướng tập trung vào lĩnh vực chính là bảo hiểm hay tiếp tục củng cố và mở rộng đầu tư tài chính đa ngành, bao gồm cả ngân hàng, chứng khoán? Hoặc ở Vinatex, tái cơ cấu có đặt ra mục tiêu đến năm nào thì tỷ lệ gia công/xuất khẩu giảm xuống bao nhiêu phần trăm? Đến năm nào giảm số doanh nghiệp gia công hàng loạt, thay bằng các doanh nghiệp ODM (đảm nhiệm từ khâu thiết kế đến bán hàng)? Hay như ở tập đoàn Sông Đà, các nhà quản lý cho biết là đang lúng túng giữa cổ phần hóa rồitái cơ cấu hay làm ngược lại.

Một vài tập đoàn, tổng công ty đang say sưa với những con số tiết giảm chi phí đồng nghĩa với việc nâng cao lợi nhuận. Nhưng mục tiêu tái cơ cấu hay cổ phần hóa của Chính phủ không phải là làm sao để thu được nhiều tiền về cho ngân sách mà là thay đổi phương thức quản trị để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Nếu không có đường đi rõ ràng, tái cơ cấu DNNN có thể lặp lại “vết xe đổ” của cổ phần hóa trước đây.

Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét