Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Nhân khủng hoảng nói về chiến lược kinh doanh

Tác giả Phạm Quốc Mạnh hiện là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thái; ông Mạnh có hơn 20 năm kinh nghiệm đảm nhận những vị trí chủ chốt trong nhiều doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh thuộc lĩnh vực tài chính và đầu tư. Bài viết chia sẻ về chiến lược kinh doanh được ông đúc rút từ kinh nghiệm lãnh đạo doanh nghiệp thành công vượt qua khủng hoảng trong suốt thời gian qua.


Nguồn: http://ocd.vn/index.php/vi/news/trithuc-quanly/764-chienluoc-kinhdoanh





Lại một lần nữa đợt “sóng thần” bất động sản đã tràn vào cuốn đi bao cố gắng của những doanh nhân khát khao với hoài bão làm giàu. Sóng tung lên, cuộn xoáy, làm vỡ tan bao ý tưởng, kế hoạch, dự án lớn nhỏ, kéo theo bao ngành nghề, đến cả nơi tận cùng của những dự định, hy vọng mới nhen lên. Người ta chia sẻ cùng nhau, dựa vào nhau, kể cả lừa đảo lẫn nhau để tìm cách tồn tại và chưa bao giờ chiến lược kinh doanh được nói nhiều và trải nghiệm sâu sắc như thời điểm hiện tại.

Chiến lược kinh doanh là đường đi khác biệt, nên muốn thành công phải nhận thức đúng, xác định rõ điểm đến (mục tiêu), hoạch định rõ đường đi (Chiến lược kinh doanh), rồi mới đến hành động và kiểm tra, đánh giá. Trên thực tế, trong doanh nghiệp, Chiến lược kinh doanh có tầm quan trọng đặc biệt; là mối quan tâm hàng đầu, định hướng cho mọi hoạt động kinh doanh. Chiến lược kinh doanh quyết định qui mô, cơ cấu bộ máy tổ chức… chứ không phải điều ngược lại.


Chiến lược kinh doanh không chỉ là tầm nhìn, nhưng ở đâu không có tầm nhìn thì tổ chức đó không biết sẽ đi về đâu, điều này giống như người mù đi vào giữa phố, như thầy bói xem voi. Ngoài ra, phải biết biến tầm nhìn của nhà lãnh đạo trở thành khát vọng cho mọi người mới mong được thành công. Tầm nhìn, sứ mệnh trong Chiến lược kinh doanh phải được trăn trở, thai nghén cùng với hướng đi để tìm được con đường khác biệt với những bước đi riêng.

Ai cũng biết hướng đi (Chiến lược kinh doanh) quan trọng hơn tốc độ, không có hướng đi (Chiến lược kinh doanh) đúng mà lại đi nhanh thì để lại hậu quả khôn lường. Không thể cứ thấy lời là làm, thấy bất động sản tạo ra lãi “thần kỳ” là vội kinh doanh bất động sản, chẳng phải thấy chứng khoán “phất nhanh” là đầu tư vào chứng khoán, hay thấy ngân hàng “dễ làm” là vội đầu tư thành lập ngân hàng… Câu nói “ngày xưa trái đất không có đường đi, do người ta đi mãi thành đường” giờ đây không còn thích hợp trong hoạch định Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Có nhiều cách xác định Chiến lược kinh doanh, nhưng thực tế đã chứng minh rằng cách tư duy ngược: xác định đích đến trước rồi mới xác định mục tiêu của từng mốc thời gian ngược lại tới điểm hiện nay là cách xác định tốt nhất cho mọi doanh nghiệp, mọi ngành.


Một mức tối thiểu cho doanh nghiệp; trong Chiến lược kinh doanh, nỗ lực là cần thiết nhưng khi hoạch định, điều hành, cần có một mức tối thiểu phải làm để doanh nghiệp không thể xuống thấp hơn. Cao hơn mức này, thì có hàng triệu thứ cho ta có thể phát triển. Tuy nhiên, tham lam dẫn tới ôm đồm là Chiến lược kinh doanh của người thua cuộc.


Tập trung vào một hoặc hai điểm mạnh; chỉ có một Chiến lược kinh doanh thành công duy nhất cho mọi đối tượng là tập trung vào một hoặc một hai điểm mạnh, đừng tiêu tán nguồn lực vào những điểm chưa mạnh để khắc phục, hay vực dậy hàng triệu điểm yếu của mình.


Nhận thức đúng, hoạch định đúng Chiến lược kinh doanh là bước khởi đầu cũng là điều kiện tiên quyết của thắng lợi. Trong khi triển khai Chiến lược kinh doanh, đánh giá và kiểm soát là bước tiếp theo cụ thể, nên rất cần công cụ tốt. Doanh nghiệp càng tăng trưởng nhanh, càng cần công cụ tốt để đảm bảo chắc chắn đi tới đích vững vàng. Không thể cứ lấy kinh nghiệm thành công cũ để áp dụng cho hôm nay, vì thế giới luôn thay đổi. Có được thành công sớm rồi chủ quan là đường đi tới thất bại khôn lường.

Doanh nghiệp cần có sự thay đổi về tư duy, mà bắt buộc trước hết phải là tư duy của người lãnh đạo; hiểu biết không tạo nên một nhà lãnh đạo, nhưng thiếu hiểu biết thì không thể trở thành nhà lãnh đạo. Trong khi lãnh đạo chính là hiểu rõ nguồn lực của bản thân, là dự báo tình huống, là nắm bắt xu hướng để hoạch định tương lai và chèo lái “con thuyền”.

Chúng ta đang bước vào sân chơi quốc tế và là “quốc tế mới”, nếu biết quan tâm thích đáng đến Chiến lược kinh doanh mới mong đến được thành công và phát triển bền vững.


Phạm Quốc Mạnh
Bài viết của được đăng trên Bản tin Lãnh đạo và Thay đổi số 3 của OCD (http://ocd.vn)  

1 nhận xét: